Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phải làm gì để không "bốc hơi" tiền trong thẻ ATM

Không thực hiện giao dịch, tiền trong thẻ vẫn "không cánh mà bay"
 
Mới đây, vợ chồng anh N.S.T. - chủ thẻ DongA Bank và HDBank phản ánh việc gần 200 triệu đồng trong hai thẻ ATM của vợ chồng anh bỗng dưng “bốc hơi” trong khi vợ chồng anh không hề thực hiện bất cứ giao dịch nào, và sự việc này chỉ mới bị phát hiện khi vợ chồng anh T. kiểm tra tiền trong tài khoản vào kỳ lương tháng 7 vừa qua.
 
Trước đó, chị Hoàng Thị Hồng Hạnh – chủ thẻ của Ngân hàng V. cũng đã từng phản ánh việc thẻ ATM của chị đang ở Việt Trì (Phú Thọ) nhưng lại bị rút mất tiền ở tận… Sài Gòn với 10 lần giao dịch rút tiền nhưng thành công 9 lần, tổng số tiền bị rút là 18 triệu đồng.
 
Còn vào hồi tháng 10/2015, anh Nguyễn Tấn Thạnh – chủ thẻ ATM của ngân hàng Đ. cũng phản ánh việc tài khoản đã bất ngờ bị rút liên tục trong vòng 2 phút với tổng số tiền 20 triệu đồng tại một cây ATM của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Theo khách hàng này, thẻ của anh vẫn ở trong ví vào thời điểm phát sinh giao dịch.
 
Tương tự là trường hợp của ông Cù Đình Thắng ở Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh – chủ thẻ ATM của ngân hàng quốc doanh V. cũng bị rút tiền 7 lần với tổng cộng 14 triệu đồng.
 


Lỗi có thể thuộc về cả người dùng lẫn hệ thống.
 
Theo các chuyên gia về thẻ, rất có thể thẻ của những khách hàng trên đã bị lộ thông tin số thẻ, tên, mã PIN khi thực hiện các giao dịch mua hàng qua mạng hay rút tiền tại các máy ATM bị gắn thiết bị theo dõi, copy thẻ. Sau đó, kẻ gian chỉ việc làm giả 1 thẻ y hệt là có thể dễ dàng rút tiền của khổ chủ với các thông tin chính xác 100%, qua mặt cả ngân hàng. Hiện tượng thẻ bị làm giả để sử dụng thanh toán, rút tiền trên máy ATM không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước trên thế giới với các cấp độ khác nhau.
 
Ông Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN - VNCERT) cho rằng rủi ro có thể xuất phát từ cả hai phía, từ những trục trặc của hệ thống NH đến sự bất cẩn của người dùng.
 
“Nếu hệ thống NH không tốt thì tin tặc có thể xâm nhập để thu thập thông tin các tài khoản. Về phía khách hàng, cũng có nhiều rủi ro cả khi rút tiền trực tiếp ở các máy ATM lẫn khi rút tiền trực tuyến qua mạng”, ông Nguyên đánh giá.
 
Theo ông Nguyên, người rút tiền qua mạng có thể gặp trường hợp sử dụng phải máy vi tính có cài mã độc hoặc bị tin tặc đánh cắp thông tin. Vì thế, khi rút tiền trực tuyến, ta không nên sử dụng thiết bị lạ để tránh trường hợp thiết bị cài mã độc. Người sử dụng mạng xã hội cũng nên hạn chế đăng tải thông tin cá nhân của mình để tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng”.
 
Trong trường hợp rút tiền trực tiếp, khách hàng cũng có thể gặp một số rủi ro như sử dụng trúng ATM bị kẻ gian lắp đặt thiết bị lấy thông tin hoặc camera ghi nhận thông tin. Nhưng theo đánh giá của ông Nguyên thì những rủi ro này không cao.
 
Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, cũng chỉ ra nhiều lỗ hổng khác khiến nhiều người dùng ATM bị mất tiền như bị làm thẻ giả, bị làm giả CMND hoặc chính người dùng “hớ hênh” cho anh em, bạn bè biết mật khẩu và mượn thẻ để rút tiền giùm.
 
“Nhiều người dùng cứ chia sẻ thông tin thẻ, cho mượn thẻ lung tung. Chính sự thiếu ý thức trong vấn đề bảo mật của người dùng đã tạo cơ hội cho kẻ xấu nắm được thông tin thẻ và sử dụng nó để rút tiền”, ông Thắng nhận xét.
 
Lời khuyên của chuyên gia Võ Đỗ Thắng là người sử dụng phải nâng cao ý thức bảo vệ thẻ, cũng chính là bảo vệ tiền của mình trong tài khoản.
 
Những nguyên tắc "vàng" bảo vệ tiền trong thẻ ATM
 
Để hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro khi sử dụng thẻ ATM, các chủ thẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của ngân hàng. Các ngân hàng khuyến cáo chủ thẻ cần thực hiện đúng một số nguyên tắc sau để tránh trường hợp mất tiền oan:
 
Thứ nhất, phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin thẻ, không tiết lộ mật mã hay cho người khác mượn thẻ ATM hoặc có thể đổi mật mã thẻ thường xuyên. Chủ thẻ phải cẩn thận, cần luôn giữ thẻ bên người, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ có sẵn trong ví như ngày sinh, số CMND, biển số xe… để tránh tình trạng khi mất ví, thẻ kẻ gian nhặt được có thể lợi dụng.
 
Thứ hai, khi rút tiền người sử dụng thẻ nên để ý xem máy ATM có bị gắn thiết bị lạ như đầu đọc cắm bên ngoài khe đọc thẻ hay không. Vì khi nhét thẻ vào thì đầu đọc ấy sẽ đọc được hết thông tin trên thẻ của mình và từ thông tin ấy kẻ gian có thể làm thẻ giả. Bên cạnh đó, cần quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch tại máy ATM để phát hiện những dấu hiệu đáng nghi như bị gắn camera quay lén hoặc thiết bị lấy cắp thông tin thẻ. Đồng thời, khi nhập mã PIN, khách hàng cần dùng tay che chắn để tránh lộ mật khẩu trong trường hợp cây ATM bị gắn camera.
 
Thứ ba, khách hàng nên kiểm đếm lại tiền để tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền, kiểm tra xem đã lấy lại thẻ chưa trước khi rời khỏi cây ATM. Khi đi rút tiền, cần thận trọng khi sử dụng các máy ATM có dấu hiệu đáng nghi như nhận thẻ khó khăn, không có đồ che bàn phím. Và đặc biệt, khách hàng nên chờ thông báo kết quả giao dịch trên màn hình ATM và chỉ rời đi khi màn hình ATM trở lại trạng thái bình thường.
 
Thứ tư, thẻ từ ATM hiện nay có một nhược điểm là nếu sử dụng thiết bị kẻ gian có thể làm được thẻ giả có nội dung giống hệt. Vì vậy, những chủ thẻ thường xuyên thanh toán trực tuyến cần cảnh giác vì thủ đoạn ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là rất phổ biến. Để hạn chế rủi ro này, chủ thẻ phải sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại. Nếu muốn vào các cổng thanh toán trực tuyến, khách hàng phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link được gửi qua email vì đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế. Đồng thời, chủ thẻ chỉ thanh toán online ở những website uy tín, không nên thanh toán ATM ở những website ít đảm bảo về độ bảo mật và an toàn của giao dịch.
 
Thứ năm, theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn đối với cả tài khoản tiền gửi và thẻ tín dụng.
 

Các hệ thống ATM bản chất cũng là các hệ điều hành nên vẫn có thể tồn tại lỗ hổng mà hacker có thể khai thác được. Bởi vậy, khi được báo có giao dịch lạ hoặc bị thay đổi các thông tin về tài khoản của mình thì trước tiên người sử dụng nên báo ngay với ngân hàng dù chỉ là những thay đổi rất nhỏ. Sau đó nên kiểm tra ngay lại tài khoản xem đã bị thay đổi những gì và thay đổi mật khẩu. 

Theo Phạm Hậu (th)/Giadinh.net.vn