Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phải quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn là một yêu cầu bức xúc . Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế, Nhà nước đang dành sự quan tâm nhiều hơn đối với việc cải cách TTHC nhằm đáp ứng các yêu cầu dịch vụ, phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Việc cắt giảm các TTHC rườm rà không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp, người dân mà còn để chủ động phòng, chống các vấn nạn sách nhiễu vẫn tồn tại bấy lâu.

Cải cách TTHC vẫn lắm gian nan

Thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã “phát pháo lệnh” gấp rút triển khai những nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách hành chính, trong đó TTHC là một khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đang xếp thứ hạng gần “đội sổ” so với các nước trong khu vực.
Có một thực tế là, ở những vùng sâu, vùng xa và nhất là ở những vùng miền núi, nơi có phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường như thế thường gặp những trở ngại do đi lại khó khăn, nhiều ngưòi mù chữ và đói nghèo...

Bởi vậy, cải cách thủ tục hành chính ở những vùng, miền này không chỉ là nhằm vào việc đơn giản hơn về nội dung, điều kiện thực hiện thủ tục, mà còn nhằm vào cách thức thực hiện thủ tục sao cho thuận tiện đối với người dân, để họ thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trước Nhà nước. 

Điều đó đòi hỏi cán bộ chính quyền xã, thôn, bản cần tăng cường hơn công tác dân vận, đưa việc thực hiện những thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, di chuyển... (là những thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người dân) đến gần dân hơn nữa. Nếu không thực hiện được việc này thì công tác quản lý nhà nước về dân số, dân tộc, tôn giáo, đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, v.v.

ở những vùng, miền này khó tránh khỏi bị bỏ sót, bỏ trống. Hiện tượng di dân tự do, phá rừng làm rẫy tùy tiện, đói nghèo triền miên ở một số địa phương thuộc một vài tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là những ví dụ về sự bỏ trống, bỏ sót trong công tác quản lý nhà nước ở các địa phương này.v.v...

Phải quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính

Phải quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính                Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh không ít doanh nghiệp vẫn phản ánh mình “phải cõng” nhiều chi phí, số lượng TTHC vẫn quá lớn. Trong lĩnh vực thuế dù đã loại bỏ 53 TTHC, đơn giản hóa 262 thủ tục, song tính đến cuối năm 2014 vẫn còn tới 432 thủ tục.

Hiện nay, các thủ tục hành chính còn tồn tại một số hiện tượng mang tính khá phổ biến như: rườm ra, trùng chéo, cứng nhắc (hợp pháp nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tế); thủ tục cũ, mới lẫn lộn.

Bên cạnh đó, việc ban hành thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn tuỳ tiện, kể cả ban hành "giấy phép con"; cách thức giải quyết thủ tục vẫn còn hiện tượng cửa quyền, hạch sách, chậm trễ theo lối "dân cần, quan không vội” và vẫn còn qua nhiều khâu trung gian lòng vòng; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết thủ tục nhiều khi không rõ và vẫn còn hiện tượng tổ chức, công dân (khách hàng) đi lại nhiều lần, ca thán hoặc lo lót, hối lộ để được việc. 

Nỗ lực cải cách

Theo các chuyên gia, để cải cách TTHC hiệu quả, bên cạnh việc sửa luật, các bộ, ngành mà trực tiếp là các “tư lệnh” ngành trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình phải có hành động cụ thể, việc làm cụ thể, không nói theo kiểu chung chung như “đã tiến lên một bước”, “có cải thiện hơn”, “được đẩy mạnh”, “được tăng cường”… 
Bằng nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác cải cách TTHC đã đạt được những kết quả tích cực, có thể đo đếm được bằng những con số cụ thể. Các Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hoá thêm 358 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề, đưa tổng số thủ tục đã hoàn thành đơn giản hoá lên con số 4.383 TTHC đạt tỷ lệ 92,8%.

Trong một số lĩnh vực “nhạy cảm” với người dân, doanh nghiệp cụ thể như thuế đã giảm số giờ tuân thủ gần được 370 giờ/năm; lĩnh vực hải quan đã bãi bỏ 14 thủ tục và chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại 12 cảng biển quốc tế…. 

Theo đánh giá của Chính phủ, điều này đã góp phần thiết thực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội, của người dân, doanh nghiệp, tăng cường, củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách, đối với bộ máy công quyền cũng như giúp công tác phòng, chống nhũng nhiễu, tiêu cực ngày càng hiệu quả. 

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa cũng nhấn mạnh, thủ tục thanh toán tiền thuế, hải quan được cải thiện, người lao động chi trả bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn cho thấy Việt Nam đang đi theo một định hướng đúng đắn và Nghị quyết số 19/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành có tính hỗ trợ tốt cho môi trường kinh doanh. 

Quan trọng, phải rà soát để sửa đổi, bãi bỏ theo tinh thần tạo thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, dễ dàng nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, ngân hàng, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp.“Cải cách là vì sự thông thoáng, vì số đông doanh nghiệp làm ăn chân chính, vì nền kinh tế đất nước chứ không chỉ vì 5-10% số doanh nghiệp vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại mà siết tất cả lại”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn phát biểu.
Ở đây, cũng phải nhấn mạnh rằng, còn có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật mà kinh doanh chủ yếu dựa trên các mối “quan hệ” để “bảo kê” cho các hoạt động phi pháp của mình.