Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25%

Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định, Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2010-2015 đã sắp kết thúc. Dự kiến cuối năm 2015 toàn tỉnh còn 25.598 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,25 %. So với đầu giai đoạn năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 16,31% đến cuối năm 2014 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,10%. Như vậy, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh mỗi năm giảm khoảng 2%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết số 52/2011 của HĐND tỉnh đề ra.

Đạt được kết quả đó là nhờ Bình Định đã tập trung huy động được nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhất là sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp để giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định cho sự thành công của chương trình.

Một trong những chính sách giảm nghèo tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của hộ nghèo là chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Đến nay toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên và nhân dân vùng khó khăn với tổng dư nợ gần 2.400 tỷ đồng.

Dạy nghề cho Lao động nông thôn (Ảnh minh họa)

Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhiều hộ nghèo đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất và đời sống đã góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Kết quả, đã có 25.000 hộ thoát nghèo, 29.271 hộ đã chuyển biến được nhận thức và biết cách thức làm ăn. Tạo điều kiện cho hơn 44.324 lượt hộ học sinh, sinh viên vay vốn để tiếp tục đi học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Giúp cho hơn 16.273 lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn vay vốn mua sắm máy móc, công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất kinh doanh, dụng cụ đánh bắt chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Các chương trình quốc gia về việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đạt hiệu quả cao. Tổng nguồn Quỹ cho vay giải quyết việc làm trong 5 năm qua  tích luỹ được hơn 85,7 tỷ đồng, cho vay 10.472 dự án, tạo việc làm cho hơn 14.798 lao động. Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh bình quân mỗi năm đã tư vấn việc làm, tư vấn nghề cho 24.000 đến 25.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 3.000 - 4.000 lao động. Cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khoảng 5.000 - 7.000 lao động. Ngoài ra, các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp-Dạy nghề ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã kết hợp hoạt động dạy nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đáng kể vào công tác giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nhân dân ở địa phương.

Đã hỗ trợ cho 109.856 lao động được học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn với kinh phí hỗ trợ học nghề là hơn 30,3 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thực hiện chính sách ưu đãi, trợ cấp xã hội cho 5.989 người học nghề, với số tiền gần 6,7 tỷ đồng. Người lao động sau khi đào tạo nghề được giới thiệu vào làm việc tại các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chiếm 55-60%, tạo việc làm tại chỗ cho 15-20% lao động qua đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2015 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề đạt 46,04%.

Người nghèo còn được tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong 5 năm qua toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 2.964 hộ nghèo từ các chương trình 167, hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh lụt bão, nguồn huy động “Quỹ vì người nghèo” và từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động, với kinh phí gần 83,4 tỷ đồng. Bình quân mỗi căn nhà ở của hộ nghèo được hỗ trợ từ 25 đến 32 triệu đồng, đó là chưa tính tới việc đóng góp của gia đình, dòng họ. Về quy mô, chất lượng nhà ở đảm bảo đúng quy định. Diện tích nhà trên 24 m2. Chất lượng nhà chắc chắn và đảm bảo sử dụng trên 10 năm.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã được triển khai thực hiện đúng các quy định, bản thân người nghèo cũng phải tự vận động, chủ động không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, có ý thức, trách nhiệm đóng góp nguồn lực bản thân vào chính ngôi nhà của mình. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tác động tích cực trực tiếp vào sự đổi thay cho một bộ phận hộ nghèo. Thông qua Chương trình các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã thật sự đi vào cuộc sống.