Theo Đề án, tiêu chí phân loại phim của Việt Nam sẽ được chia thành 4 cấp độ: P (phổ biến rộng rãi): Chủ đề của phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi; C13 (không phổ biến đến trẻ em dưới 13 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 13 tuổi trở lên; C16 (không phổ biến đến trẻ em dưới 16 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 16 tuổi trở lên và C18 (không phổ biến đến người xem dưới 18 tuổi): Chủ đề phim phù hợp với khán giả từ 18 tuổi trở lên.
Đề án có quy định khá rõ về chủ đề, nội dung, trong đó quy định đến các vấn đề như: Bạo lực; tình dục, khỏa thân; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; hình ảnh, âm thanh kinh dị; ngôn ngữ... phải phù hợp với nội dung phim, với từng độ tuổi phân loại phim. Theo đánh giá của các nhà sản xuất và phát hành, việc có tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi là rất đáng mừng. Các nhà làm phim đã có một hành lang pháp lý để bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Tiêu chí phân loại phim được đưa ra trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim, ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 9/7/2008 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Do vậy, những vi phạm đã có căn cứ xử lý theo Luật Điện ảnh, Nghị định 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12. Khi áp dụng tiêu chí, sẽ cần sự phối hợp liên ngành của các cơ quan hành pháp và sự tự giác của các đơn vị phát hành phim, rạp phim”.
Tại hội thảo, những quy định liên quan đến cảnh khỏa thân, tình dục trong phim nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Cty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, cho biết: “Trong quy định về phim C18, chấp nhận cảnh khỏa thân toàn phần. Tuy nhiên, khỏa thân toàn phần ở phụ nữ thì có thể còn được chứ khỏa thân toàn phần ở nam giới thì không thẩm mỹ. Do vậy, xử lý cảnh khỏa thân toàn phần ở nam giới cũng cần nói rõ trong phụ lục của Thông tư”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện cho biết, có một số điểm cần làm rõ: “Phần giải thích từ ngữ quy định “Ngôn ngữ và hình ảnh thô tục” là những từ ngữ, chữ viết, hành vi thể hiện sự thô thiển, tục tĩu thiếu văn hóa... như vậy là chưa đủ, cần bổ sung cả âm thanh. Thực tế, nhiều hành động không cần hình ảnh mà âm thanh vẫn được hiểu là thô tục”.
Phân loại phim theo độ tuổi tạo cơ hội cho khán giả thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh.
Theo dự thảo đề án, thời lượng trong từng cảnh nóng không vượt quá 5 giây, điều này gây thắc mắc cho các nhà sản xuất và phát hành phim. Đại diện của CGV cinema chia sẻ: “Phim C18 không chấp nhận hình ảnh miêu tả cận cảnh bộ phận sinh dục. Nhưng nếu phim thể hiện về người phụ nữ sinh con thì sao? Theo tôi, nên quy định với thể loại phim này là chấp nhận nếu cảnh phù hợp với nội dung phim”. Trong khi đó, đại diện của Galaxy đề xuất “nên định lượng thời gian cho cảnh bạo lực, tình dục trong các phim để dễ dàng cho việc phát hành”.
Cũng có những băn khoăn như liệu phân loại phim có hạn chế quyền thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của khán giả? Nhiều nhà sản xuất phim cho rằng, trẻ em có quyền thưởng thức văn hóa, nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi, theo Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, nếu cho trẻ thưởng thức những thứ không phù hợp thì cũng có chế tài xử phạt theo Luật.
Dự kiến, đến cuối năm nay, Tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi sẽ được áp dụng. Hy vọng, việc phân loại phim không phải làm khắt khe thêm việc kiểm duyệt phim và khán giả có thể sẽ được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh hơn, tùy thuộc độ tuổi.