Tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ. Không ngờ một nhà văn trẻ, viết truyện ngắn rất xuất sắc như Lê Minh Phong lại có cả khả năng hội họa, mà là một cây cọ có suy tư sâu lắng về phận người đến vậy. Nhớ hôm khai mạc triển lãm, bà Nicole Lawergne, trưởng Viện Pháp tại Huế, quả quyết đến dễ thương rằng: “Chúng tôi đã chọn nghệ thuật Lê Minh Phong. Và tôi tin sau khi xem tranh, các bạn sẽ chọn nghệ thuật Lê Minh Phong”.
Đầu mùa thu Huế này, xem 25 bức “Acrylic trên bố” trong triển lãm “Bên trong” của Lê Minh Phong, tôi bị ám ảnh bởi những tác phẩm hội họa siêu thực, lại có hình khối, mảng màu gân guốc mà trầm lắng đến lạnh người như cái còn lại cuối cùng của con người, như gỗ lũa, một thứ lũa của cuộc đời. Vừa siêu thực, vừa dân dã, vừa xúc cảm, vừa triết lý. Tôi tạm gọi đây một thứ biểu trưng rất hàm chứa – là lũa của phận người.
Sao phòng tranh có tựa đề là “Bên trong”? Tôi nghĩ, “Bên trong” là ruột, là lõi. “Bên trong” là phải tìm kiếm, đào bới sâu vào mới mong thấy. “Bên trong” là hồn, là kiếp, là gan ruột... Và bên trong chính là anh, là tôi, là chúng ta- là cảm thức mang tên con người, cõi người. Và, những bức tranh đã nói lên tất cả điều đó. Bức “Chiêm mộng” hình ảnh một người chỉ có hai cánh tay đen đủi cào xuống đất một cách bất lực.
Xem tranh tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của mình viết về mẹ: “Mẹ nuôi tôi bằng hai bàn tay/Suốt một đời bới vào cát ấy”... Đó chính là tồn tại. Bức “Cái chết của thi sĩ” là một hình nhân đã khâm liệm bị trói vào cái cọc đen đúa như cọc xử án, có lẽ đó là kết cục của những khát khao thơ huyễn mộng. Bức “Múa trên bàn tiệc” là một hình nhân chỉ còn một cái chân và một cánh tay, đang xòe múa như bất lực trước thời gian, bên một bát máu đang nghiêng đổ. Đó là cái còn lại của những cuộc say chăng? Bức “Mẹ hòa bình”, một hình nhân trong bóng tối đen đặc với cái cổ vươn cao, cái đầu nghẹo, bên một ngọn đèn dầu le lói. Từ cái đầu ấy có một cánh chim đang vươn ra... Đó là ao ước, là khát vọng của nhân loại, của bà mẹ Việt Nam bên ngọn đèn dầu hỏa nghìn đời hiu hắt (Bức tranh này đã có người gắn nơ mua).
Xem kỹ phòng tranh ta thấy cây cọ Lê Minh Phong có sức liên tưởng thật mãnh liệt. Nhờ sức tưởng tượng bạo liệt ấy mà họa sĩ đã đưa người xem từ những hình nhân, những bàn chân, bàn tay, cánh chim, màu áo... như những mảnh vỡ thực trên cõi đời, thành những giọt sương lung linh của chiêm cảm, chiêm nghiệm, thành những ánh chớp của trí tuệ. Cảm động và thôi thúc. Đó chính là sức sáng tạo.
Phòng tranh “Bên trong” đa phần là những mảng màu đen của đêm, màu đen của cái chết, màu đất nền tảng, màu lá trầm tĩnh... không có màu chói, nên gần gũi. Lê Minh Phong bộc bạch trong lời giới thiệu phòng tranh: “Để vẽ cái chết, dĩ nhiên tôi không có một chút kinh nghiệm nào cả. Tôi chỉ biết lấy màu trắng đục của thân phận, màu đỏ của máu, màu tàn úa của rừng cây, màu của đất đai khô cằn và màu của rêu xanh bất tận trong từng linh hồn sống đọa để mong chạm vào cát chết...”. Chữ màu trắng đục của thân phận là chữ của nhà thơ, được tay cầm cọ vẽ thành những bức tranh siêu thực khắc vào lòng người. Từ chiều sâu của những bức họa, tôi cho rằng lời bộc bạch đó là sự thật. Mà sự thật là tiêu chuẩn đầu tiên của sáng tạo nghệ thuật.
Tôi rất hợp với nghệ thuật trên toan của Lê Minh Phong vì anh đang vẽ về đời tôi, vẽ về đông đảo những người khổ đau trên trái đất. Có lẽ đó là lý do để Viện Pháp tại Huế tổ chức triển lãm tranh đầu tiên cho Lê Minh Phong. Và Lê Minh Phong đang tìm ra mình. Tôi tin lũa của phận người ấy nhất định sẽ còn đi mãi với Phong như một định mệnh làm nên một cây cọ sáng danh trong tương lai.
Huế, ngày 10/9/2015