Khó xử lý tội dâm ô, xâm hại trẻ em vì thiếu chứng cứ
Theo các chuyên gia, việc chưa xử lý nghiêm được các đối tượng có dấu hiệu dâm ô với trẻ em là do luật vẫn còn một số điểm cần điều chỉnh. Ngày 1/3, ông Dương Trọng M. (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) dạy phụ đạo cho học sinh. Do một số học sinh mất trật tự, ông M. đã véo tai, véo mũi, gí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số em. Ông M. đã thừa nhận với các phụ huynh là "sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh". Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng, Cơ quan cảnh sát điều tra chưa đủ chứng cứ chứng minh ông Dương Trọng M. dâm ô học sinh. M. chỉ bị xem xét kỷ luật và chuyển công tác. Sau khi vụ việc xảy ra, hàng loạt ý kiến đã cho rằng hành vi sờ soạng học sinh của ông M. phải bị xử lý về tội dâm ô chứ không chỉ bị xử phạt hành chính, kỷ luật chuyển công tác.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy bị tuyên án 3 năm tù vì tội dâm ô trẻ em.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, chính những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đang khiến những vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Nếu xảy ra sự việc thì cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, bởi đối với các vụ dâm ô không để lại dấu vết, hoặc gia đình nạn nhân phát hiện muộn, rất khó để thu thập chứng cứ. Trong khi đó, tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đối tượng sẽ cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Đối với người bị hại chưa thành niên, nhận thức của các bé còn rất non nớt. Nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, và thường giấu kín chuyện, không trình báo với cơ quan chức năng.
Cần quy định tội dâm ô đối với trẻ em theo hướng cụ thể hơn
Không chỉ có vậy, trong nhiều trường hợp, các điều tra viên, kiểm sát viên là nam giới, nên việc xác minh, điều tra cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại. Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và bị cáo để xét xử thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. Theo Điều 25 của Bộ luật Tố tụng hình sự, các vụ án xâm hại tình dục là những vụ án phải giữ gìn thuần phong mỹ tục, cần phải được xử kín, bảo vệ người dưới 18 tuổi và bảo vệ bí mật đời tư, nên thông thường, tòa án sẽ xét xử kín. Xét xử kín nhưng tuyên án thì công khai. Đây cũng là trở ngại mà bị hại không mong muốn. Chính những lỗ hổng pháp luật ấy đã khiến nhiều vụ án xâm hại trẻ em không được xét xử do thiếu chứng cứ, kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc xảy ra do cả nạn nhân và người phạm tội đều không hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng sống.
Cao Mạnh Hùng (SN 1983, quê Thái Bình, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tuyên phạt 2 năm tù về hành vi dâm ô trẻ em.
Theo Thông tư liên tịch 01/1998 của TAND tối cao - Viện KSND tối cao và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn: Dâm ô đối với trẻ em là hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên, khái niệm trên đã không còn phù hợp. Vì vậy, việc thầy giáo sờ đùi, sờ mông học sinh lại không thể khởi tố về tội dâm ô vì chưa phải là... sờ, bóp bộ phận sinh dục như khái niệm.
Để các quy định chặt hơn nhằm xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, cần quy định tất cả các hành vi sờ soạng lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Bên cạnh đó, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Công an nên sớm hướng dẫn vấn đề này để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục nói chung và xâm phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng đang xảy ra rất phức tạp.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, TAND tối cao đề nghị sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, điều chỉnh quy định về tội dâm ô đối với trẻ em theo hướng cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả; tránh tình trạng các cơ quan liên quan chậm trễ, lúng túng, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. TAND tối cao cũng kiến nghị quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh xâm hại tình dục trẻ em trong trường hợp nạn nhân là trẻ em nam, người phạm tội là người đồng tính. Ngoài ra, cần quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Quy trình giám định trẻ bị xâm hại còn nhiều vướng mắc
Một trong các nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây là do trước đó không kịp xử lý kịp thời, vướng mắc trong quá trình giám định.
Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty luật Minh Khuê cho biết, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Bất cập hiện đang tồn tại trong công tác này là do các quy định pháp lý không rõ ràng và còn chồng chéo. Điều 22 Luật Giám định Tư pháp quy định, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm phạm thì người nhà, người thân của nạn nhân phải tiến hành trình báo sự việc tới cơ quan công an, và trong thời hạn 7 ngày cơ quan công an sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không. Theo luật sư Lê Minh Trường: “Quy định 7 ngày là một quy định quá dài. Nếu trong thời hạn 7 ngày đó mà chúng ta không trưng cầu giám định ngay thì rõ ràng không thể thu thập được các bằng chứng để buộc tội. Quy trình 7 ngày để ra quyết định có giám định hay không thực hiện giám định thực sự bất cập, phi lý”.
Luật sư Lê Minh Trường cho rằng, cần thay đổi Luật Giám định Tư pháp cho những trường hợp cần giám định tức thì, nghĩa là trong các trường hợp cấp bách, có thể không cần các quyết định của cơ quan điều tra hay các cơ quan tiến hành tố tụng, người dân vẫn có thể đến thẳng cơ quan giám định. Cơ quan giám định tư pháp cần thực hiện nghiệp vụ ngay lập tức để thu thập các bằng chứng kịp thời và kết luận của trung tâm tư pháp sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng sau đó điều tra, buộc tội.
Riêng đối với quy định về giám định pháp y trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, quy định hiện nay là không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu giám định. Hơn nữa, việc giám định xâm hại trẻ em vừa phải đảm bảo phục vụ cho các yêu cầu về tư pháp, vừa phải kết hợp với các dịch vụ điều trị tâm lý.
Theo đóng góp của các chuyên gia, cần sớm có một cơ quan chuyên trách và thống nhất để kịp thời hỗ trợ pháp lý cũng như tâm lý cho trẻ em và gia đình các em. Để xử lý nghiêm tội phạm xâm hại, dâm ô trẻ em, việc sửa đổi một số nội dung trong các văn bản pháp luật là điều cần thiết để đủ sức răn đe.
Theo Khánh Vân/Baodansinh.vn