Một đối tượng bị bắt giữ khi đang đưa người qua biên giới. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết đây là một sự kiện đặc biệt đánh dấu năm đầu tiên Chính phủ chọn ngày 30/7 là Ngày toàn dân phòng chống mua bán người, nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Lễ phát động có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên toàn quốc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống mua bán người.
Năm năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 14,1 triệu lượt người về nội dung phòng chống buôn bán người dưới nhiều hình thức phong phú như thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, tư vấn lưu động... Nhiều chị em bị lừa bán trở về địa phương được quan tâm giúp đỡ đã xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, việc lựa chọn tỉnh Lào Cai là nơi tổ chức lễ phát động lần đầu tiên có ý nghĩa hết sức to lớn vì đây là địa phương có tình hình phức tạp về mua bán người giai đoạn 2011-2015; qua đó nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân về công tác phòng, chống mua bán người tại tỉnh Lào Cai nói riêng và tạo sự lan tỏa trên phạm vi toàn quốc nói chung.
Những năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em, mà còn mua bán đàn ông, mua bán bào thai, trẻ sơ sinh, nội tạng, đẻ thuê... Trung bình mỗi năm tại Việt Nam phát hiện khoảng 500 vụ phạm tội, liên quan đến hơn 700 đối tượng, lừa bán trên 1.000 nạn nhân.
Nhiều người đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Nạn mua bán người đang trở thành vấn đề phức tạp, không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong, mỹ tục, pháp luật của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự của đất nước và là mối quan tâm, lo lắng, bức xúc của toàn xã hội.
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa nhấn mạnh công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ lâu dài, hết sức khó khăn, phức tạp nhưng nếu chúng ta có nỗ lực, quyết tâm, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất định công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam sẽ được ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi.
Trong công tác điều tra, lực lượng chức năng cần nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, đặc biệt ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Viện Kiểm sát và các bộ ngành đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; lựa chọn vụ án điển hình để xét xử lưu động tại các địa phương trọng điểm nhằm răn đe tội phạm và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.