Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới 2017

Vào ngày 4/11/2017, tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017.

 

 

Tham dự Lễ phát động có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Đào Hồng Lan; Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hà;  Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm; bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Lễ phát động Tháng hành động năm 2017 sẽ là dấu mốc khởi động của chiến dịch truyền thông cấp quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới lần thứ hai ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Đào Hồng Lan  nhấn mạnh: Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việc các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để hưởng ứng Tháng hành động năm 2017 được xem như một sự khẳng định mạnh mẽ cho cam kết cùng chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời khẳng định: Một quốc gia phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau” là một quốc gia mà nơi đó mọi phụ nữ và trẻ em gái sẽ không còn chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, không còn là nạn nhân của bất kỳ hình thức bạo lực nào ở mọi lúc, mọi nơi. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta cùng hành động, cùng chung tay thực hiện bằng trách nhiệm và nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng.

 

 

Tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại sẽ thiếu đi sức mạnh nếu không có sự giúp đỡ, chia sẻ từ người thân và của những người xung quanh. Bạo lực sẽ không thể chấm dứt nếu thiếu đi sự chung tay, cùng vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thứ trưởng Lan kêu gọi: "Tất cả chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy cùng lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại và có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã Thay mặt ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc và Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam, phát biểu chào mừng tại Lễ phát động. Bà cho biết: với danh sách các hoạt động được liệt kê trong Tháng Hành động đã phản ánh tầm nhìn cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 về “một thế giới công bằng, bình đẳng, khoan dung, cởi mở và hòa nhập xã hội, trong đó nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất sẽ được đáp ứng”. Việc đạt được những điều này đòi hỏi có các nguồn lực, chính sách, cam kết và các chương trình tập trung vào việc tiếp cận các cộng đồng yếu thế nhất.

Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay là nghi thức thắp sáng tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bằng ánh đèn màu cam - biểu tượng của chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Lễ phát động được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng của truyền hình và Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.