Theo đó các đối tượng gồm: Nguyễn Doãn Hoàng (27 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và 6 đối tượng từ tỉnh Thanh Hóa vào Đắk Lắk là Nguyễn Hữu Đạt (23 tuổi), Lê Văn Tiến (20 tuổi), Đoàn Thế Hùng (24 tuổi), Ngô Văn Tú (24 tuổi), Nguyễn Văn Công (22 tuổi), Lê Hữu Quyết (24 tuổi).
Trong số này có 2 đối tượng hoạt động độc lập, 5 đối tượng thuộc 2 nhóm cho vay nặng lãi. Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk làm rõ từ cuối năm 2020, đến khi bị xử lý, các đối tượng này in hàng loạt tờ rơi quảng cáo với nội dung "Cho vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày" rồi đi rải trên nhiều tuyến đường.
Sau khi người dân cần vay tiền, liên hệ đến số điện thoại in trên những tờ quảng cáo, thì các đối tượng sẽ đến tận nhà xác minh tài sản. Khi thấy người vay có đủ điều kiện để trả nợ, các đối tượng sẽ cho vay. Tổng cộng, các đối tượng đã cho gần 100 người ở tỉnh Đắk Lắk vay trên 1 tỉ đồng, với lãi suất "cắt cổ" từ 365% đến 695%/1 năm và thu lợi bất chính trên 200 triệu đồng.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Đạt và Nguyễn Doãn Hoàng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời, tiếp tục hoàn tất hồ sơ để xử lý những đối tượng còn lại theo quy định của pháp luật.
Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng như sau:
1/ Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2/ Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ năm lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tương ứng với 1,67%/tháng. Tức nghĩa, nếu bên cho vay cho vay với mức lãi suất 8,35%/tháng thì đã vượt quá 5 lần mức lãi suất cơ bản pháp luật cho phép.
Thứ hai: đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, với trường hợp bạn nêu mức lãi suất cho vay là 5%/tháng, chưa vượt quá từ 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất do đó chưa có căn cứ xử lý hình sự theo quy định tại ĐIều 201 đã nêu trên.
Tuy nhiên, mức lãi suất này đã vi phạm quy định về lãi suất trong hợp đồng vay trong pháp luật dân sự do đó nếu bên vay khởi kiện ra tòa thì tòa án sẽ không công nhận mức lãi suất vượt quá 1,67% và điều chỉnh về mức lãi suất cơ bản.