Học sinh vi phạm nội quy - phạt tiền có hiệu quả?
Trong cuộc họp phụ huynh của một lớp 12 ở Hà Nội, ngoài trao đổi chuyện học thì có một vấn đề được đưa ra bàn luận khá sôi nổi, đó là có nên phạt tiền khi học sinh vi phạm nội quy trường, lớp. Cô giáo chủ nhiệm cho biết, mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp nhưng trong lớp hiện có nhiều bạn thường xuyên đi học muộn, bỏ tiết, không làm bài tập. Cô giáo và ban cán sự lớp đã thực hiện nhiều biện pháp như: phạt trực nhật, quét hành lang, thậm chí dọn nhà vệ sinh, tuy nhiên các bạn vẫn thường xuyên tái phạm, ảnh hưởng đến bản thân và cả tập thể lớp. Cô mong muốn các phụ huynh sẽ cùng nhau thảo luận, tìm ra một giải pháp tối ưu nhất.
Trước tình trạng này, ban phụ huynh lớp đề xuất sẽ phạt tiền nếu các con vi phạm nội quy. Đại diện ban phụ huynh cho biết, hình thức này đã được một số lớp trong trường thực hiện và khá hiệu quả. Mức phạt sẽ là 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng cho các mức độ vi phạm khác nhau. Ví dụ, đi học muộn lần 1 trong tuần, phạt: 20.000đ; từ lần thứ 2 là 30.000đ. Bỏ tiết, nghỉ học không phép, nói chuyện riêng bị ghi sổ đầu bài phạt: 30.000đ. Không làm bài tập về nhà hoặc bài kiểm tra bị điểm kém: phạt 20.000đ. Tiền phạt sẽ xung vào quỹ lớp cuối kỳ liên hoan hoặc nộp vào quỹ tiền thưởng để chi cho những bạn có thành tích và ý thức học tập tốt.
Một số phụ huynh trong lớp nhất trí với hình thức phạt tiền này. Tuy nhiên, hơn 50% phụ huynh không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt. Cả người ủng hộ và người phê phán đều có lý lẽ riêng.
Có nên phạt tiền học sinh?
Theo lý giải của những phụ huynh ủng hộ việc phạt tiền thì hình thức này nhằm siết kỷ luật, khi áp dụng sẽ giúp các con thực hiện tốt nội quy nhà trường, nhất là những học sinh hay đi học muộn, trốn tiết, trốn học, nói chuyện trong lớp, lười làm bài tập về nhà... Khi các biện pháp khác đã áp dụng không hiệu quả thì “đánh vào kinh tế” có thể các con sẽ chuyển biến. Tâm lý tiếc tiền sẽ khiến các con phải tự sửa chữa, không mắc khuyết điểm nữa. Về phía phụ huynh cũng vì thế mà nhắc nhở con cái chăm ngoan hơn để không phải nộp tiền phạt. Hơn nữa, áp dụng cách này chính là không “làm khó” giáo viên.
Tuy nhiên, số đông phụ huynh lại phản đối hình phạt này. Thực tế là học sinh chưa làm ra tiền, bố mẹ phải lo từ ăn mặc đến học hành… Khi vi phạm nội quy, không có tiền nộp, học sinh phải về xin bố mẹ. Một, hai lần bố mẹ có thể tha thứ, nhưng nếu vi phạm nhiều lần có thể khiến cha mẹ bức xúc, mắng, thậm chí đánh con. Từ đó nảy sinh nhiều tình huống, các em sẽ phải nhịn ăn sáng, vay mượn bạn bè, thậm chí là trộm vặt để có tiền nộp phạt. Vô tình hình thức kỷ luật này lại dẫn học sinh tới tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Hơn nữa, việc phạt học sinh bằng tiền có thể khiến các em nghĩ rằng, tiền bạc có thể khắc phục được mọi sai phạm của cá nhân.
Nhiều phụ huynh cũng phản đối việc phạt tiền những học sinh bị điểm kém và dùng tiền đó để thưởng cho học sinh đạt điểm cao. Ai cũng biết, nếu không làm bài tập, trẻ sẽ nhận kết quả học tập kém, đó là hậu quả mà trẻ phải gánh chịu. Nếu trẻ học kém, trẻ sẽ không đạt danh hiệu gì, không được nhận bất cứ phần thưởng gì từ nhà trường hay gia đình, thậm chí trẻ có thể bị bố mẹ phạt. Không làm bài tập hay bị điểm kém, trẻ đã bị xếp loại hạnh kiểm và kết quả học tập kém. Bên cạnh đó, học chưa giỏi không có nghĩa là người xấu. Nhiều khi trẻ không thể học giỏi là do khả năng của trẻ chỉ có vậy. Mỗi đứa trẻ có một năng lực nổi bật khác nhau, không phải ai cũng giỏi toàn diện mọi mặt. Thưởng phạt đúng lúc và kịp thời có thể giúp một số trẻ tiến bộ, nhưng phạt tiền khi trẻ bị điểm kém cũng có thể làm trẻ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực.
Trong thực tế, khi áp dụng biện pháp phạt tiền có thể một số học sinh đã tiến bộ hơn, nhưng việc này là miễn cưỡng, vì các em sợ bị phạt, vì tiếc tiền chứ không phải vì tự giác, yêu thích việc học. Vì vậy, nếu học sinh mắc khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện thì áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đã được quy định, bởi quan trọng nhất là chỉ rõ sai phạm và cách sửa chữa chứ không phải dùng tiền để giải quyết. Bên cạnh đó, cả giáo viên và phụ huynh cần tìm ra các biện pháp kỷ luật tích cực để trẻ tự giác trong học tập và rèn luyện.
Một số gợi ý về các biện pháp kỷ luật tích cực giáo viên có thể áp dụng trong lớp học:
1. Quy định những nguyên tắc, mục tiêu với học sinh trong lớp từ đầu năm học.
2. Đặt ra những kỳ vọng phù hợp và nhất quán với học sinh.
3. Khuyến khích học sinh thực hiện những hành vi đúng mực, tuân thủ nguyên tắc, quy định chung.
4. Luôn giữ lập trường trung lập nếu có xích mích giữa học sinh.
5. Luôn tìm hiểu kỹ càng lí do học sinh có những hành vi không tuân theo quy định, trái nguyên tắc.
6. Luôn tôn trọng học sinh.
7. Hiểu rằng mỗi học sinh đều cần những phương pháp tiếp cận, dẫn dắt khác nhau.
8. Đừng quên khen thưởng, khích lệ học sinh khi cần thiết.
9. Hãy trở thành hình mẫu cho học sinh, có các hành vi ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cơn giận phù hợp.
10. Cho học sinh biết rằng luôn có những lựa chọn hoặc cách giải quyết khác.
11. Lắng nghe học sinh và đừng xem nhẹ những lời tâm sự của các em.