* Ông đánh giá như thế nào về số người tự ứng cử đại biểu QH ở nhiệm kỳ này?
- Tôi rất mừng, với tinh thần dân chủ mà Hiến pháp 2013 nêu ra và đặc biệt tinh thần dân chủ, kỷ cương của Đại hội Đảng lần thứ XII, số người tự ứng cử đại biểu QH khoá XIV khá đông, đặc biệt là ở TP Hà Nội (47 ứng viên) và TP. Hồ Chí Minh (50 ứng). Điều đó thể hiện (đa số) người tự ứng cử mong muốn thể hiện trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Muốn mang tài năng, đức độ của mình ra xây dựng đất nước.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số ít người thích thử nghiệm xem sao và cũng có thể có một số ít muốn đánh bóng mình. Nhưng tôi nghĩ nhân dân mình rất sáng suốt, cử tri sẽ biết lựa chọn những người nào cần thay mặt cho dân trên diễn đàn QH.
Tôi hoan nghênh tinh thần của những người dám đứng ra thể hiện trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đất nước.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá – Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam).
* Lượng người ứng cử ngày càng đông thể hiện tinh thần dân chủ. Vậy theo ông, làm sao để trong lựa chọn có sự công bằng giữa người tự ứng cử và đại biểu giới thiệu?
- Tôi nghĩ trước đây có tình trạng quân xanh, quân đỏ. Có tình trạng đại biểu lót đường, nhưng với tình hình dân chủ ngày càng phát triển thì chắc rằng tình hình đó sẽ hạn chế hơn. Với trình độ dân trí, trình độ chính trị cộng với thông tin đại chúng như hiện nay, dứt khoát người dân sẽ hạn chế rất nhiều trong việc bảo gì làm đấy.Đảng lãnh đạo nhưng nhân dân làm chủ. Mỗi người dân cần sự độc lập trong suy nghĩ của mình để thể hiện quyền và trách nhiệm của công dân... Đây chính là lúc thể hiện rõ điều này hơn bao giờ hết. Thực hiện quyền làm chủ, độc lập trong suy nghĩ của mình trên cơ sở 5 tiêu chuẩn để chọn cho mình người đại diện mắt sáng, tâm trong.
* Nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu đại biểu ngoài Đảng tham gia vào QH XIV chỉ có 35/500 đại biểu là quá ít. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Bây giờ dân làm chủ, đội ngũ nông dân, công nhân, trí thức và doanh nhân là những người quan trọng nhất nhưng trong tỉ lệ bầu đại biểu lại không nhiều, đa phần vẫn là cán bộ hành chính. Cần phải bàn kỹ lại cơ cấu này. Đại hội Đảng XII nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, nhưng cơ cấu bầu cử trong QH lại chưa rõ để họ nói tiếng nói của khối kinh tế tư nhân.
Đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải là đảng viên, mà quan trọng nhất là chọn được người xứng đáng. Bàn sách lược an dân trị quốc thì phải có tầm trí tuệ, có trái tim nhiệt huyết với quốc gia, dân tộc. Người ngoài Đảng nhưng có thực tài, có thực tâm thì phải tạo điều kiện cho họ cống hiến, phải tin tưởng giao việc, để họ được giữ trọng trách quản lý điều hành ở các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Có nhiều ngành đặc biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn, chuyên ngành cao, thì ưu tiên số một là người làm được việc. Một bộ trưởng không phải đảng viên nhưng làm việc tốt, còn hơn là đảng viên nhưng làm việc tồi. Việt Nam từng có Bộ trưởng Bộ Giáo dục - GS, TS Nguyễn Văn Huyên là bộ trưởng ngoài Đảng, nhưng sự nghiệp của ông lẫy lừng cho đến nay khó ai qua được.
* Ông đánh giá như thế nào về tính trung thực trong việc kê khai tài sản của các ứng viên?
- Bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình như tài sản đều phải chịu trách nhiệm chính về bản kê khai đó. Không phải kê khai xong là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý về nội dung bản kê khai đó.
Đọc sơ qua bản kê khai tài sản của các ứng viên kỳ này, tôi rất mừng vì có những đồng chí kê khai tài sản ở Hà Nội có cái này, ở TP. Hồ Chí Minh có cái kia... Điều đó cho thấy, qua hai vụ Quốc hội khóa XIII bãi miễn 2 đại biểu kê khai thiếu trung thực, đã có tác động ít nhiều đến các đại biểu kê khai hiện nay. Như vậy, việc kê khai tài sản đã có tiến bộ nhưng theo tôi để đảm bảo tính trung thực của các bản kê khai, chúng ta phải công khai bản tự kê khai của người ứng cử, phát động toàn dân tham gia giám sát các ứng cử viên thì chất lượng kê khai tài sản sẽ cao hơn nhiều.
* Có thông tin cho rằng, có tổ chức phản động đứng sau những người tự ứng cử. Ông nhận định như thế nào về điều này?
- Tôi nghĩ rằng trong bất cứ việc làm gì của đất nước chúng ta thì kẻ thù, những phần tử chống đối và những người không thích chế độ, tìm mọi cách để phá. Chuyện đó là chuyện rất bình thường nhưng phá được hay không là do chúng ta và dân ta. Dân mình chín mươi mấy triệu dân, lực lượng chống đối chỉ một dúm người, chúng ta có đủ sức mạnh của nhân dân, chứ chưa nói đến sức mạnh của chuyên chính bảo vệ đất nước, chính quyền (quân đội, công an). Chúng ta đứng trên thế mạnh, thế thắng của những người chính nghĩa chúng ta ngại gì cái đó.
*Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.