Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phát huy vai trò của người uy tín trong bảo đảm an sinh xã hội vùng biên giới

A Lưới là một huyện vùng cao có truyến đường biên giới dài 84km, với 12 xã giáp ranh với nước bạn Lào. Trong những năm qua, bên cạnh các lực lượng chính quy thì chính người dân bản địa đã đóng góp rất lớn vào việc bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Có được điều đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của những người có uy tín.

Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số Nguyễn Minh Sang (mặc áo thổ cẩm, ngồi thứ 2 từ trái qua)

A Lưới là một huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cư dân ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số: Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và một số ít dân tộc khác. Với hơn 80km chiều dài sát với nước bạn Lào nên huyện A Lưới được coi là địa bàn xung yếu về công tác an ninh biên giới của tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh các lực lượng chính quy thì việc phát huy vai trò của người dân địa phương trong bảo vệ an ninh biên giới tại địa bàn này là hết sức quan trọng. Đặc biệt, việc phát huy vai trò của trưởng bản, già làng, những người có uy tín tại địa phương đóng vai trò then chốt, từ việc gương mẫu làm ăn, phát triển sinh kế gia đình, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, sinh con đẻ cái theo kế hoạch,... cho đến chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đường biên và an ninh biên giới quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu – Bí thư Huyện ủy A Lưới, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 100 người cao tuổi có uy tín và địa phương cũng thường xuyên có các kế hoạch, chương trình nhằm phát huy vai trò của họ trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ an ninh biên giới. Một trong những người như thế mà chúng tôi đã được gặp là ông Nguyễn Minh Sang (sinh năm 1960, dân tộc Tà Ôi, trú tại thôn A Tin, xã A Đớt).

Cùng lính Biên phòng tuần tra đường biên, cột mốc biên giới tổ quốc

Xã A Đớt là một xã miền núi, ở vùng sâu vùng xa của huyện A Lưới, cách trung tâm huyện khoảng 30 km, có đường biên giới quốc gia đi qua với chiều dài khoảng 8km, tiếp giáp với bản Ka Lô (huyện Ka Lưm, tỉnh Sê Kông, Lào). Toàn xã hiện nay có 6 thôn và 24 cụm dân cư; tổng số 640 hộ, 2.456 nhân khẩu, 95% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Tà Ôi (chiếm tỷ lệ 80%).

Có 80% dân địa phương sống nhờ nghề làm nông. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chiếm tỷ lệ trên 51 % trong toàn xã. Tuy điều kiện sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người dân luôn có tinh thần giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng quê hương, góp phân vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững vàng trên tuyến biên giới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sang cho biết: “Bản thân tôi, với cương vị nguyên là phó Chủ tịch UBND xã A Đớt, là người có uy tín của xã và cũng  như người có uy tín của thôn A Tin, luôn xác định rõ vai trò của mình trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên, các tổ chức chính trị xã hội, toàn thể nhân dân và gia đình họ hàng người thân tham gia tuyên truyền vận động thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước và mọi quy định của địa phương; tuyên truyền vận động nhân dân, bà con trong dòng họ, trong thôn mình làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn xã A Đớt nói chung; thôn A Tin nói riêng”. Ông Sang cũng tích cực tham gia, phối hợp cùng với cán bộ, chiến sỹ đồn Biên Phòng cửa khẩu A Đớt trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ an ninh biên giới.

Không chỉ lo việc nước, việc phát triển kinh tế gia đình cũng được ông Sang xem trọng

Ông Sang cũng luôn khuyên nhủ con cháu chăm lo sản xuất, kinh doanh, phát huy ngành nghề truyền thống để xây dựng kinh tế gia đình. Ông bảo: “Chỉ khi đủ ăn, đủ mặc thì người dân mới ổn định cuộc sống được. Cuộc sống người dân mà không ổn định thì chắc chắn tình hình trật tự xã hội, an ninh biên giới sẽ khó mà giữ vững". Theo ông Sang, ngày nay, người dân vùng biên giới như quê ông đã biết định canh định cư ổn định, làm ruộng nước, trồng cây, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các chị em phụ nữ  ở xã A Đớt đều biết nghề Dệt Zèng truyền thống, từ đó có thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình. Ngay như trong gia đình ông Sang cũng có vợ và con dâu của ông cùng làm nghề này.

Cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao biên giới A Lưới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ cuộc sống du canh du cư, làm ăn “nhờ trời”, trong đời sống hàng ngày vẫn có nhiều hủ tục, thì nay họ đã biết định canh định cư, biết sản xuất kinh doanh dựa vào các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tử bỏ hủ tục để sống theo nếp sống văn minh hiện đại hơn.

“Có được thành quả đó không thể không nhắc đến vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”, bà Nguyễn Thị Sửu quả quyết.