Sáng tạo nhiều mô hình hay
Nhiều phong trào lớn hướng đến đội viên, thiếu niên, nhi đồng được Đội TNTP Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước triển khai với nhiều cách làm sáng tạo đã mang lại kết quả cao và tạo nên những dấu ấn đẹp trong hệ thống Đội trên toàn quốc.
Toàn tỉnh hiện có hơn 16 ngàn đội viên, thiếu niên, nhi đồng, với gần 300 cán bộ phụ trách thiếu nhi và giáo viên tổng phụ trách đội trong khối trường học. Thời gian qua, rất nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả được hội đồng đội các cấp tham mưu triển khai thực hiện. Đơn cử như mô hình “Cồng chiêng một nét văn hóa của người S’tiêng” của Hội đồng Đội huyện Bù Gia Mập phù hợp với đặc thù huyện có đông trẻ em dân tộc S’tiêng. “Thông qua mô hình, Hội đồng Đội huyện mong muốn các em có thêm sân chơi trải nghiệm đầy bổ ích, giới thiệu và lưu giữ truyền thống văn hóa ở địa phương” - chị Giang Phương Bằng, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Đặc biệt, cuộc vận động “Thiếu nhi Bình Phước thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” được triển khai với hình thức phong phú đã góp phần giáo dục, rèn luyện nhân cách sống tốt đẹp đến lớp lớp thế hệ đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Em Nguyễn Thanh Hải, học sinh Trường THCS An Lộc, thị xã Bình Long bày tỏ: Tổ chức đội đã đem đến cho em rất nhiều bài học hay, trải nghiệm thú vị, nhiều cuộc thi giúp em có cơ hội rèn luyện kiến thức, kỹ năng. Em cảm thấy tự hào và vinh dự khi được khoác trên vai chiếc khăn quàng đỏ, là thành viên của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Mới đây, đánh dấu 80 năm trưởng thành và lớn mạnh của Đội, nhiều hoạt động đã được diễn ra phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hội đồng Đội tỉnh Bình Phước đã triển khai thành công cuộc thi “Khăn quàng thắm mãi vai em” với 5.000 tác phẩm dự thi phần thi viết và hơn 20 clip dự thi phần thi trực tuyến; cuộc thi sáng tác thơ, ca dành cho thiếu nhi với sự tham gia của hơn 100 tác phẩm dự thi. Hội đồng đội các cấp đã xây dựng và trao tặng 3 ngôi nhà khăn quàng đỏ, 13 khu vui chơi thiếu nhi, 8 công trình vườn hoa, sơn sửa lớp học, sửa chữa nhà vệ sinh, tặng 3 máy lọc nước, hệ thống nước sinh hoạt, trao 500 suất học bổng, 1.000 phần quà và 50 chiếc xe đạp với tổng trị giá hơn 1,64 tỷ đồng…
Thời gian tới, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả 2 chương trình: “Trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho thanh thiếu nhi” và “Xây dựng các khu vui chơi cho thanh thiếu nhi bằng vật liệu tái chế”. Tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả các chương trình, phong trào, cuộc vận động như: “Thiếu nhi Bình Phước thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, “Vì đàn em thân yêu”, “Kế hoạch nhỏ”, “Nghìn việc tốt”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Phước”. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, cấp, vận động các nguồn lực cho công tác an sinh xã hội đối với thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi con em thanh niên công nhân ở các khu công nghiệp…
Hiệu quả chương trình “Bạn chia sẻ - tôi lắng nghe”
Chị Lê Thị Hồng Phấn, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh chia sẻ: Chặng đường mới, Hội đồng Đội các cấp sẽ chú trọng triển khai chương trình “Bạn chia sẻ - tôi lắng nghe” để lắng nghe trẻ em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Từ đó sẽ có hướng tham mưu triển khai các phong trào phù hợp với các em. Hội đồng đội các cấp cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm chia sẻ cho thiếu nhi về chủ trương, chính sách mới liên quan để các em nắm thêm và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, các điều khoản được quy định trong Luật Trẻ em.
Gần đây trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa: Vòng thi cấp tỉnh cuộc thi video/clip Thiếu nhi các dân tộc hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, đã lựa chọn 40 tác phẩm dự thi cấp Trung ương; chương trình “Bạn chia sẻ - Tôi lắng nghe”, chuyên đề “Sử dụng an toàn mạng xã hội” cho hơn 1.000 học sinh; chương trình chiếu phim “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”, chủ đề “Vui khỏe đến trường - Em yêu văn hóa dân gian” cho hơn 15.000 thiếu nhi; Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” với sự tham gia của hơn 20.000 thanh, thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh.
Các em học sinh vô cùng hào hứng với những chia sẻ, những câu hỏi, đáp của các em và báo cáo viên chương trình “Bạn chia sẻ - Tôi lắng nghe”. Tại chương trình, chị Thạch Thị Thùy Dương - Ủy viên Thường trực Hội đồng Đội tỉnh, thành viên Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em đã trao đổi, chia sẻ với các em về các nội dung trong Quyền trẻ em theo Công ước Liên Hợp Quốc và Luật Trẻ em Việt Nam 2016; tổ chức cho các em học sinh tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm nội dung các điều khoản về Quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân, để giúp các em hệ thống toàn bộ về Quyền và bổn phận trẻ em và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, cùng với các vấn đề xoay quanh Quyền trẻ em. Đồng thời, định hướng để các em tham gia đặt những câu hỏi với báo cáo viên về những vấn đề liên quan đến tình hình, nguyện vọng của trẻ em, những băn khoăn trăn trở trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, về tâm sinh lý lứa tuổi…
Qua chương trình đã hỗ trợ các em học sinh có thêm kiến thức về Quyền trẻ em, đồng thời tạo môi trường, điều kiện để các em có cơ hội nêu lên những suy nghĩ, thắc mắc băn khoăn của bản thân đối với các Quyền về trẻ em, các vấn đề về ứng xử, giao tiếp với thầy cô, bạn bè và người thân trong gia đình; những vấn đề trong Luật trẻ em để các em có thể hiểu hơn và thực hiện đúng Quyền và bổn phận của trẻ em.
Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 7a2 đặt câu hỏi và chia sẻ: “Theo em với 25 quyền và 05 bổn phận của trẻ em, thì chúng em có quyền được bàn bạc và chia sẻ những vấn đề liên quan đến bản thân với ba mẹ, thầy, cô. Vậy làm thế nào để chúng em bày tỏ được nguyện vọng của mình về vấn đề học tập với ba mẹ một cách gợi mở để thể hiện được quan điểm của bản thân với ba mẹ?”. Ban Tổ chức chương trình đã giới thiệu và phân tích về Quyền trẻ em cũng như gợi mở, định hướng cho các em trong việc chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của bản thân đối với ba mẹ về những vấn đề liên quan đến chính bản thân các em.
Với những bổn phận của trẻ em đối với gia đình, em Nguyễn Tấn Đạt, học sinh lớp 9a5 chia sẻ: “Qua chương trình “Bạn chia sẻ - Tôi lắng nghe” cùng với những kiến thức về Quyền trẻ em, em đã hiểu được bổn phận và trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội, em sẽ cố gắng học tập tốt, giúp đỡ gia đình và luôn ngoan ngoãn để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp tỉnh được thành lập vào tháng 10/2020 với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em như: Tư vấn, trợ giúp, phòng ngừa, can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, mô hình trợ giúp trẻ em; lên tiếng bảo vệ trẻ em trước các vụ việc xâm hại quyền trẻ em được dư luận xã hội quan tâm; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong công tác bảo vệ trẻ em… Chương trình “Bạn chia sẻ - Tôi lắng nghe” là một trong những hoạt động thiết thực trong chương trình hoạt động của Câu lạc bộ. Trong thời gian tới, Chương trình “Bạn chia sẻ - Tôi lắng nghe” sẽ được triển khai và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước.