Nghị định này có 5 chương và 86 điều, tăng 04 điều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Một số nội dung mới điển hình của Nghị định này như sau:
Quy định mới về xử phạt đối với người đi xe máy có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống; đối với người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn.
Tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 04 - 06 tháng)…
Bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…
Trước những hình thức xử phạt nặng đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, có nhiều ý kiến tán thành và ủng hộ của người dân thì còn một số trăn trở cần có cách tháo gỡ.
Ông Phan Thanh Minh ( Bình Dương) chia sẻ: Tôi cũng là người hay uống bia, chỉ 1 lon mặt như quả gấc, khỏi thổi cũng biết có uống, nếu cảnh sát giao thông làm mạnh kể cả những vùng quê chắc chắn nguồn thu phạt sẽ rất khủng. Dù hay uống bia nhưng tôi nghĩ phạt nặng cũng tốt vì đó là lý do tôi cai bia, từ chối uống bia khi ko có tài xế về, chứ tết năm nào tôi cũng ko tỉnh táo, người cứ lâng lâng suốt nữa tháng trước và sau tết, về quê chẳng ngắm mây trăng gió cây cỏ dc chút nào. Tôi ủng hộ phạt mạnh và thực thi liên tục ko nói chơi.
Ông Đào Minh Lợi ( Cần Thơ) tôi ủng hộ cao. Mong rằng những người uống rượu tham gia giao thông đều bị xử lí nghiêm như vậy. Tết này ra đường bớt lo. Đối với người chạy xe đạp, mô tô, ô tô, khi lưu thông trên đường có nhiều trạm kiểm soát nồng độ rượu, kiểm soát nồng độ lần một trên cùng tuyến đường thì phải cấp phiếu đã được kiểm soát lần 1, để đến trạm 2 được kiểm soát khỏi phải thổi kiểm tra nồng độ (phiếu này có ghi thời gian sử dụng), tại gì ống thổi nồng độ nhiều người thổi ớn quá!!!Việc kiểm tra giao thông về nồng độ rượu: có uống rượu hay o uống rượu tham gia giao thông, khi kiểm tra xong đều phải lập biên bản. Một lần nữa cảm ơn người đã ra luật này.
Người ta để nồng độ cồn 0,25 miligam/1 lít khí thở là mức độ an toàn cho cơ thể. 0,25 miligam đó có thể trong thức ăn, đồ uống nhẹ. Ở những nước khác là 0,4 như Mỹ. Thông số này là cả một quá trình nghiên cứu về an toàn nồng độ cồn trong máu. Ông Lợi chia sẻ.
Anh Nguyễn Trọng Tấn – TP.HCM chia sẻ: Nhất định phải có một thiết bị đo nồng độ cồn bán với giá hợp túi tiền cho người dân ví dụ như nhà nước trợ giá mũ bảo hiểm hoặc như nhiều thiết bị khác... Còn về nồng độ cồn cho phép nên tính đến chuyện bao nhiêu ml thì vẫn thừa đủ tỉnh táo. Không thể chỉ nhấp môi (vì lịch sự hoặc hiểu luật vv...) nhưng máy vẫn đo lớn hơn KHÔNG. Còn nồng độ tối đa, tối thiểu bao nhiêu thì phải được các viện, cơ quan chuyên ngành đưa ra. Bạn nghĩ sao khi nhấp môi thôi mà vì cơ địa đến mấy hôm sau máy đo của cảnh sát giao thông vẫn dương tính? Tóm lại, nhà nước phải bán cho dân một thiết bị đo đủ tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả và đủ nhỏ để đúc túi thậm chí là móc treo chìa khóa.
Anh Trần Nhật Linh – PV Báo VTC New thì cho rằng, việc tăng mức phạt đối với người sử dụng rượu, bia, chất kích thích rồi tham gia giao thông là cần thiết. Việc này nhằm hạn chế những vụ tai nạn giao thông do bia rượu, gây ra.
Tuy nhiên, cũng cần xem lại một chút về việc thổi nồng độ cồn. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp người đi đường không uống rượu bia mà sử dụng một số thuốc chữa bệnh như siro hay chỉ ăn một số loại trái cây như: Vải, nho, dứa, táo, chuối, sầu riêng, xoài… cũng nằm trong danh sách trả lại kết quả hơi thở có cồn. Tuy nhiên, máy đo nồng độ cồn chỉ trả kết quả hơi thở có cồn hay không chứ không thể phân biệt được nguyên nhân dẫn tới điều này.Vì vậy, luật cần thiết nhưng phải có chế tài để xử lý đúng người, đúng tội.
Hơn nữa, việc xử phạt người dân chỉ là phần ngọn. Phần gốc chính là nằm ở ý thức người tham gia giao thông. Anh Linh chia sẻ.
Luật sư – Đào Xuân Sơn, Cty luật Justiva nhận định: "Việc chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 cấm tuyệt đối hành vi đã sử dụng rượu, bia thì không được lái xe là đúng đắn vì khi uống vào thì không ai có thể khẳng định là mình tỉnh hay say? Nhiều người cứ nghĩ tửu lượng của mình tốt, mình có khả năng kiểm soát được bản thân nên uống đến chừng mực nào đó sẽ nghỉ để lái xe về. Nhưng thế nào là chừng mực? ai dám khẳng định là mình sẽ không bị buồn ngủ chạy xe loạng choạng, hoặc bị hưng phấn dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu v.v… và nếu không may mắn sẽ bị vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó việc quy định xử phạt đối với Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ là một quan điểm rất tiến bộ, góp phần làm giảm sự chủ quan và tình trạng sử dụng rượu bia ở nông thôn, ở những người lớn tuổi.
Theo quy định của pháp luật hình sự thì: vi phạm pháp luật do sử dụng rượu bia vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường theo căn cứ tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
"Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự."
Không chỉ chịu trách nhiệm hình sự mà trong nhiều trường hợp thì Luật còn quy định thêm một số tình tiết tăng nặng đối với một số tội danh được quy định. Nếu người phạm tội đang mất khả năng nhận thức mà còn tham gia lái xe, lái tàu thì sẽ bị áp dụng thêm chế tài cho tội : Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 267).
Ngoài ra Điều 596 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.