Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có tiếp nhận bệnh nhân nhi Bùi Thị Kim L, 58 ngày tuổi, cân nặng: 4,5kg (Ngọc Trung - Thạch Thành) vào viện với lý do gia đình phát hiện bụng ngày càng to nhanh. Khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, mẹ bệnh nhân 28 tuổi, mang thai 38 tuần, bệnh nhân là con thứ 2, đẻ thường. Trong thời gian mang thai, siêu âm định kỳ nhưng không phát hiện thấy bất thường.
Qua thăm khám lâm sàng phát hiện bệnh nhân có khối u vị trí dưới hạ sườn phải, không đau, ít di động, kích thước khoảng 13 x 10 cm. Hình ảnh chụp MRI ổ bụng cho thấy một khối u lớn sau phúc mạc, nhiều khả năng là thai nhi, khối u vượt quá đường giữa, đè ép thận trái.
Sau mổ bệnh nhân ổn định và được ra viện 7 ngày sau phẫu thuật. Hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh, tăng cân nhanh.
BS Bùi Văn Hán (Khoa tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cho biết, thai trong thai là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc 1/500.000 ca sinh. Nhà giải phẫu học người Đức Johann Friedrich Meckel đã lần đầu tiên mô tả về thai trong thai vào cuối thế kỷ 18. Mặc dù các nhà khoa học phỏng đoán rằng đây là hệ quả của khôi u quái phát triển mức độ cao - một loại khối u cấu tạo từ mô tổ chức của nơi khác, như răng và xương, song Meckel đã nhận ra khối u thực ra là một bào thai sinh đôi đang phát triển. Thông thường, cả hai bào thai của thai ký sinh đều sẽ chết trước khi sinh, nhưng đôi khi thai ký sinh tồn tại trong thai chủ trong nhiều năm sau khi đẻ.
Để được phân loại là thai trong thai và không phải là u quái, khối u phải có bằng chứng về tổ chức cơ thể, như có các đốt sống, mầm chi hoặc mô nội tạng.
Mặc dù không phải là tình trạng nguy hiểm chết người, song thai sinh đôi ký sinh có thể phát triển đủ lớn để gây biến chứng cho thai chủ. Khoảng 90% số trường hợp thai trong thai được phát hiện khi còn nhỏ và được phẫu thuật trước khi gây biến chứng. Khi thai ký sinh được lấy ra thì thai chủ, dù ở độ tuổi nào, cũng thường sẽ hồi phục bình thường.