Yêu cầu trên được ông Hùng đưa ra sáng 12/5 trong cuộc họp do ông chủ trì về sự cố rơi thanh cừ thép khi thi công ga số 4 dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Sau khi nghe các bên liên quan báo cáo về sự cố, ông Nguyễn Quốc Hùng kết luận nguyên nhân gây ra sự cố rơi cừ thép (cừ lasen) là do nhà thầu thi công chưa bảo đảm các biện pháp an toàn trong quá trình thi công.
Hiện trường vụ rơi thanh sắt Nhổn-Ga Hà Nội (Internet)
UBND TP phê bình trưởng BQL ĐSĐT Hà Nội và đơn vị tư vấn Systra chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát thi công. Ông Hùng yêu cầu BQL ĐSĐT Hà Nội và Systra chỉ đạo các phòng, ban và các cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để có biện pháp quản lý, giám sát thi công hiệu quả, an toàn tuyệt đối.
Đồng thời ông Hùng giao Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, lập biên bản và có quyết định xử phạt nghiêm đối với nhà thầu Posco và nhà thầu phụ (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Inceco). Ông Hùng cũng yêu cầu Sở Xây dựng cấm Inceco thi công các dự án có nguồn vốn của TP Hà Nội trên địa bàn TP trong một năm.
Ông Hùng giao Công an TP lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các sở Xây dựng, GTVT, Lao động - thương binh và xã hội để kiểm tra các công trình thi công trên đường bộ đang khai thác về công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, tiến độ thi công, quản lý chất lượng xây dựng, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát theo quy định của pháp luật, nếu cần thiết đình chỉ thi công; báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP và thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí…
Trước đó vào 18g30 ngày 10-5, một thanh cừ thép dài 9m, nặng 630kg đã rơi từ công trường thi công nhà ga số 4 dự án ĐSĐT Hà Nội thí điểm tuyến Nhổn - ga Hà Nội xuống đường Hồ Tùng Mậu làm hư xe máy của hai người đi đường.
Nguyên nhân sự cố được nhà thầu Posco đánh giá là do công nhân phụ trách phần việc móc cọc cừ vào cẩu để treo đầu cọc vào máy ép cọc đã không kiểm tra đầu cọc. Vì vậy, không phát hiện được vết nứt gần lỗ móc ở đầu cọc. Khi cọc cừ được cẩu lên, vết rách bị mở rộng làm cọc tuột khỏi móc, rơi xuống đường.