Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phiên tòa khiến chúng ta buồn thương, lo lắng…


Để cho mẹ đứng tên sổ đỏ vì nghĩ tài sản của mẹ cũng là của con
 
Anh B. là con duy nhất của bà T. Anh B. không biết bố mình là ai. Anh được mẹ sinh ra và nuôi dưỡng, trưởng thành. Theo anh B., trước năm 2010, bà T. (69 tuổi) mẹ anh - không có nhà, phải ở chung với bà ngoại anh. Tháng 6-2010, bà T. góp 370 triệu đồng, vợ chồng anh góp 200 triệu đồng mua lô đất ở phường Mỹ An. Sau đó, anh B. đứng ra ký hợp đồng xây dựng và mua vật liệu hết 150 triệu đồng. Xây nhà xong, anh B. làm thủ tục cho mẹ đứng tên trên sổ. 
 
Anh B. tâm sự: “Tôi để mẹ đứng tên một mình vì nghĩ tài sản của mẹ cũng là của tôi, vì tôi là con duy nhất. Nếu một mai mẹ có qua đời thì cũng để lại cho tôi nên tôi cứ côi cút làm ăn, không để ý”. Có lẽ, nếu ở vào trường hợp của anh B., đại đa số chúng ta đều suy nghĩ và hành động như vậy. Trong quá trình ở chung với nhau, giữa vợ chồng anh B. và bà T. có xẩy ra cãi vã. Đây là chuyện thường tình của các gia đình nên đã được các cơ quan chức năng hòa giải.
 
Thế nhưng, đầu năm 2018, không hiểu vì đâu mà bà T. yêu cầu gia đình con trai phải ra khỏi nhà. Anh B. và vợ con không ra khỏi nhà, vì theo anh: “... bổn phận làm con, vợ chồng tôi cố nín nhịn vì cứ nghĩ mẹ tuổi già nên chướng, đổi tính”. 
 
Sau đó, có người làm hộ đơn cho bà T.,  gửi đi nhiều nơi cho rằng, anh B. lừa đảo chiếm nhà và có hành vi ngược đãi đuổi mẹ ra khỏi nhà. Cơ quan chức năng đến xác minh và kết luận việc tố cáo đó là sai sự thật. Cũng thời gian này, anh B. đột ngột mắc bệnh, sút cân, cơ thể tiều tụy, da dẻ vàng vọt. Bác sĩ chẩn đoán anh bệnh gan rất nặng. Cùng lúc với nỗi buồn bệnh tật, anh B. bất ngờ nhận được giấy triệu tập của tòa mà người kiện lại chính là mẹ mình.
 

Và chiếc sổ đỏ đã gây ra sự oan nghiệt
 
Vợ chồng anh B. đến dự phiên tòa khá sớm, trước khi phiên tòa bắt đầu. Đứng nép mình bên hành lang trụ sở tòa án, anh B. nói trong nước mắt: “Cả tháng nay không đêm nào ngủ được. Từ ngày tôi ngã bệnh, bao nhiêu tiền bạc tích cóp đã đổ hết vào việc chạy chữa thuốc thang. Hai năm nay tôi đau ốm nên chả ai thuê làm vì không đủ sức khỏe. Vợ tôi chạy ngược xuôi tối mặt làm osin thời vụ cũng không lo đủ cơm cháo cho cả nhà”. Trong tình cảnh như vậy, anh B. tâm sự: “Tôi đã từng tha thiết nói với mẹ, nếu vợ chồng tôi có gì sai thì mong mẹ tha thứ bỏ qua. Tôi cũng không muốn để mọi người nhìn thấy cảnh mẹ con kiện tụng đòi nhà, nhưng mẹ vẫn khăng khăng không chịu. Nghĩa mẹ con thì tôi không bao giờ dứt bỏ được. Nhưng giá như lúc này tôi không có vợ con gì thì sẵn sàng khăn gói ra đi, chứ giờ vợ con nheo nhóc mà dọn ra ngoài thì khốn khổ lắm”.
 
Vào đúng giờ phiên tòa khai mạc, bà T. xuất hiện. Anh B. dường như muốn đến thật gần mẹ để nói một điều gì đó nhưng không dám. Phiên tòa diễn ra với những thủ tục cần thiết. Đứng trước tòa, chị H. (vợ anh B.) nói với mẹ chồng: “Đến giờ phút này, con vẫn xin mẹ thấu hiểu tình cảnh của vợ chồng con. Con mong mẹ tha lỗi nếu vợ chồng con có làm điều gì mà mẹ không hài lòng. Mẹ hãy nói hết cho nhẹ lòng và để chúng con biết đường sửa sai”. Nhưng bà T. vẫn dứt khoát nói: “Giờ thì đã muộn màng rồi. Tôi đề nghị tòa yêu cầu vợ chồng B. dọn ra khỏi nhà”.
 
Tại phiên tòa, bà T. nói rằng căn nhà do bà bỏ tiền ra mua đất, đứng tên quyền sở hữu. Giờ bà muốn con trai phải ra khỏi nhà, trả lại căn nhà cho bà ở. HĐXX nhận định toàn bộ quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nộp thuế đều đứng tên bà T. Mặc dù vợ chồng anh B. cho rằng nguồn gốc thửa đất là do vợ chồng anh góp vốn cùng mua, nhưng anh không xuất trình được bất cứ chứng cứ gì để chứng minh. Như vậy, quyền sở hữu nhà đất này thuộc về bà T., nên tòa tuyên buộc vợ chồng anh B. phải dọn ra khỏi căn nhà để trả nhà đất cho mẹ. Còn bà T. có trách nhiệm hỗ trợ anh B. 146 triệu đồng.
 
Nỗi buồn thương, lo lắng sau phiên tòa
 
Tòa tuyên xong, mẹ con đi về hai hướng khác nhau. Người mẹ được xem là thắng kiện, nhưng dáng đi vẫn xiêu vẹo vì gánh nặng tuổi tác. Còn người con bị xem là thua kiện, bệnh tật đã làm anh quắt queo, sau phiên tòa, trông anh có vẻ tiều tụy hơn. Những người tham dự phiên tòa cũng không vui vẻ, phấn khởi gì; họ lặng lẽ rời phiên tòa...
 
 Phiên tòa đã kết thúc nhưng nỗi buồn thương, lo lắng đọng lại. Chẳng nhẽ câu chuyện của gia đình bà T., anh B. không gì có thể cứu vãn được sao? Anh B. và vợ con sẽ sinh sống ở đâu? Với sức khỏe rệu rã như vậy, liệu anh B. có vượt qua nổi không? Tại sao bà T. - người mẹ đơn thân suốt đời lam lũ nuôi đứa con duy nhất mà khi về già lại đối xử với con như vậy? Rất nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu nhiều người nhưng  câu trả lời thì chưa có. Nỗi buồn về đạo lý, về tình người, về giá trị truyền thống của gia đình vẫn bao quanh phiên tòa này.
 
Chỉ có một chút ánh sáng le lói: Theo luật sư Trần Xuân Vinh, việc góp vốn trong gia đình để cùng mua tài sản thì không thể có chứng từ, vì lúc đó gia đình thuận hòa, mẹ con tin tưởng lẫn nhau. Việc anh B. có góp tiền mua đất, mua vật liệu xây dựng có thể là sự thật. Vì vậy, tòa án nên cân nhắc nhiều mặt để có phán quyết hợp lý nhất, tránh đẩy anh B. vào thế cùng quẫn.
 
Chúng ta chỉ có thể hi vọng vào điều này nếu anh B. kháng án và có phiên tòa phúc thẩm. Nhưng hi vọng rất mong manh.
 

Trần Nghiêm/GĐTE