Trong một báo cáo vừa được công bố, cơ quan thông kê Philippines cho biết, tính tới nửa đầu năm 2018, người dân Philippines sống dưới mức nghèo ước tính chiếm 21% trên tổng dân số, trong khi năm 2015 là 27,6%. Dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm/lần, tỷ lệ nghèo đói ở nước này đã giảm dần dù tình trạng lạm phát gia tăng vào năm ngoái.
Người nghèo tại Philippines.
Tỷ lệ người dân sống trong nghèo đói dần đi xuống khi các dự án cơ sở hạ tầng mới giúp tăng cơ hội việc làm và nhà nước Philippines cũng tăng cường hỗ trợ tiền mặt. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines, Ernesto Pernia phát biểu: "Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và những kế hoạch cải cách, đầu tư quan trọng, một loạt cơ hội việc làm mới và an sinh xã hội đã được tạo ra".
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, Salvador Panelo cho biết, Philippines đang nỗ lực để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo xuống ít nhất 14% vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte vào năm 2022. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi năm phải có ít nhất 1 triệu người Philippines thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Ông Pernia nói thêm, Philippines có thể sẽ trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm nay, trước khi hoàn thành mục tiêu của năm 2022.
Tại Philippines, một hộ được coi là nghèo khi khoản tiền tối thiểu mà 1 gia đình 5 người sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và phi thực phẩm là 10.481 peso/tháng (201 USD). Đây là con số thống kê trong nửa đầu năm 2018, cao hơn 11% so với nửa đầu năm 2015. Tỷ lệ các gia đình Philippines có thu nhập dưới mức nghèo được ước tính là 16,1% vào nửa đầu năm 2018, thấp hơn 22,2% so với năm 2015.
Tỷ lệ thu nhập để đáp ứng nhu cầu cơ bản hoặc tỷ lệ các gia đình Philippines có thu nhập dưới ngưỡng có thể chi trả cho nhu cầu thực phẩm cơ bản là 7.337 peso được ước tính là 6,2%. Trong khi con số của năm 2015 là 9,9%. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở Philippines là Khu tự trị Hồi giáo Mindanao ở phía Nam nước này và thấp nhất là ở Metro Manila (vùng thủ đô Manila).
Từ trước tới nay, thủ đô Manila nổi tiếng với sự chênh lệch giàu nghèo quá rõ rệt, với mật độ dân số lớn gần nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lượng người di cư ngày một cao, họ rời bỏ vùng nông thôn lạc hậu lên thành phố lập nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó lại thất nghiệp và phải sống trong khu ổ chuột hay thậm chí là nghĩa địa. Những người này đều không được sử dụng điện hay nước sạch. Sống trong điều kiện sinh hoạt khó khăn nên tệ nạn xã hội cũng tăng cao.
Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Philppines sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,6% vào năm 2020. Theo một cuộc thăm dò của Social Weather Station, tỷ lệ hộ nghèo tự đánh giá đã tăng trong quý thứ 3 năm 2018, trong đó hơn 1 nửa các hộ gia đình Philippines tự đánh giá là đang sống ở mức nghèo.