Philippines là một trong số ít nước trên thế giới và là nước duy nhất ở châu Á có hệ thống giáo dục phổ thông ít hơn 12 năm. Các quan chức giáo dục cho biết học sinh Philippines thường gặp khó khăn khi tìm việc hoặc xin nhập học ở nước ngoài vì bằng cấp không được công nhận.
Theo The New York Times, Tổng thống Benigno S. Aquino III đã đề xuất chương trình giáo dục cơ bản từ mẫu giáo đến lớp 12, gọi tắt là K-12, tăng thêm 2 năm học phổ thông là lớp 11 và lớp 12. Chương trình này nhằm giúp đỡ những cộng đồng nghèo khó, trang bị cho học sinh đủ kỹ năng để làm các công việc lương cao hơn trong ngành công nghệ và tài chính.
Đề xuất tăng số năm học phổ thông thêm 2 năm đang phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ. Ảnh: Jes Aznar.
Khi được đề xuất năm 2012, chương trình này được sự ủng hộ lớn của các chuyên gia giáo dục và nhà điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự ủng hộ giảm dần và đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Theo kết quả trưng cầu dân ý của tờ The Standard hồi tháng sáu, 61% người Philippines phản đối tăng thêm 2 năm trung học phổ thông.
Các giáo sư đại học là những người dẫn đầu làn sóng phản đối. Nhiều người lo lắng việc chuyển lớp cho học sinh 17 và 18 tuổi từ bậc đại học xuống bậc phổ thông sẽ khiến các trường đại học sa thải ít nhất 25.000 nhân viên.
Với thu nhập bình quân của hộ gia đình năm 2012 là 5.100 đô la (khoảng 114,5 triệu đồng), nhiều gia đình Philippines phản đối kế hoạch của chính phủ và coi 2 năm học phổ thông tăng thêm là gánh nặng chứ không phải lợi ích cho họ.
Các cuộc biểu tình ở trường học đã diễn ra thường xuyên. Sáu đơn kiến nghị được gửi tới Tòa án Tối cao Philippines đòi dừng thực hiện kế hoạch này. Những người nộp đơn lo ngại thêm 2 năm học phổ thông sẽ gây sức ép lên học sinh và khiến cuộc khủng hoảng bỏ học ngày càng tồi tệ. Hiện nay, một phần tư học sinh Philippines không tốt nghiệp được lớp 10.
Kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, giới chức Philippines đã tranh luận về việc kéo dài thời gian đi học, nhưng nỗ lực của họ không thể thực hiện được do thiếu hụt ngân sách và sự phản đối của dân chúng, đặc biệt ở những nơi có nhiều gia đình nghèo mong muốn con cái đi làm sớm.
Nếu muốn triển khai kế hoạch học 12 năm phổ thông, chính phủ cần xây thêm 30.000 phòng học và tuyển dụng thêm 43.000 giáo viên.