Hình từ phim Mùa ổi (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2000).
Dù thường không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử – của cộng đồng cũng như của cá nhân.
Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều các hoạt động và đầu tư cho các công việc này: cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, một mối quan tâm mới cho lịch sử điện ảnh địa phương đã xuất hiện ở Việt Nam. Với nhiều người, phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.
Đóng góp vào mục tiêu chung của dự án Di sản Kết nối, chuỗi hoạt động “Phim như một Di sản Văn hóa” bao gồm một hội thảo, các workshop chuyên môn và các sự kiện dành cho công chúng. Chương trình hướng đến các mục tiêu sau: Quảng bá giá trị văn hóa và xã hội của lưu trữ phim và các tư liệu lưu trữ tạo điều kiện cho các đối thoại mới giữa các tổ chức khác nhau (các cơ quan và tổ chức nhà nước, các tổ chức độc lập, nhà làm phim, công chúng, chuyên gia và người thực hành trong các lĩnh vực nghệ thuật khác) chia sẻ kinh nghiệm về các cách thức làm việc với lưu trữ phim, qua các góc nhìn sáng tạo cũng như quản lý.
Chuỗi các hoạt động do Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Viện Phim Việt Nam tổ chức. Bên cạnh các hội thảo, workshop chuyên môn, một hoạt động chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người quan tâm đó là các buổi chiếu phim dành cho công chúng. Giới thiệu các khả năng công nghệ và làm phim xung quanh các tư liệu phim lưu trữ, Hội đồng Anh hân hạnh giới thiệu bốn buổi chiếu phim dành cho công chúng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Phim như một di sản văn hóa”. Chương trình bao gồm hai bộ phim kinh điển của Việt Nam là Đến hẹn lại lên và Mùa ổi với chất lượng hình ảnh theo định dạng 2K và hai bộ phim nước ngoài, Scotland thân thương và một bộ phim kinh điển của Ấn Độ, Shiraz: Trường ca Ấn Độ, bản phục chế do Viện Phim Anh thực hiện.
Phim “Đến hẹn lại lên” là một tác phẩm nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam những năm 70, Đến hẹn lại lên là câu chuyện đầy cảm động quanh số phận một người con gái miền quê quan họ, cô Nết, ở quãng thời gian đầy biến động ngay trước cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ.
Nết (Như Quỳnh thủ vai) và Chi (Vũ Tự Lâm thủ vai) đã yêu nhau qua những canh hát quan họ. Mối tình của họ gặp trắc trở khi Bình (Cao Khương thủ vai), con trai một địa chủ trong vùng muốn cưới Nết nên đã vu cho Chi là cộng sản, dồn ép gia đình Nết phải gả cô cho gã. Trong cơn tuyệt vọng, Nết bỏ trốn. Mỗi nhân vật là một số phận đã có sự đan cài vào nhau để sau đó họ đối diện nhau trong những hoàn cảnh khác nhau, đầy éo le, cũng không thiếu bất ngờ và xúc động.
Phim “Scotland thân thương” (From Scotland with Love), được dựng hoàn toàn từ các tư liệu hình ảnh quay tại Scotland, bộ phim Scotland thân thương do nhà làm phim Virginia Heath thực hiện với phần nhạc xuyên suốt phim của nhạc sỹ, nhà soạn nhạc người Scotland King Creosote. Như một hành trình về quá khứ, bộ phim xoay quanh các chủ đề quen thuộc về tình yêu và cuộc sống.Các cảnh quay được lồng ghép một cách khéo léo cho phép các nhân vật hoàn toàn không lời thoại với danh tính vùi sâu trong quá khứ được kể những câu chuyện của họ, trên nền nhạc và ca từ thơ mộng của King Creosote.
“Một trải nghiệm đầy xúc động và một cái nhìn kỳ diệu về quá khứ” (The Guardian). “Một cuộc sống đời thường ở Scotland chưa bao giờ lãng mạn như vậy. Những nỗi niềm, mất mát và sầu muộn trong lịch sử Scotland được khắc họa chân thành bởi những người nhà làm phim và nghệ sĩ rõ ràng có một sự gắn bó mật thiết với đất nước này” (Drowned in Sound)
Shiraz: Trường ca Ấn Độ (Shiraz: A Romance of India), lấy cảm hứng từ mối tình giữa quốc vương Shah Jahan và nữ hoàng của ông trong triều đại Mughal thế kỷ 17, Shiraz: Trường Ca Ấn Độ là một sử thi lãng mạn hùng tráng, một câu chuyện tưởng tượng về sự hình thành của một trong những công trình kiến trúc biểu tượng nhất thế giới: lăng mộ Taj Mahal. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của chàng Shiraz – người kiến tạo ra Taj Mahal – và nàng Salima, tình yêu niên thiếu của anh, người sau đó trở thành vị nữ hoàng mà Taj Mahal được dành tặng.
Ấn tượng như chính kiến trúc kỳ vĩ của Taj Mahal, Shiraz được quay hoàn toàn tại Ấn Độ với bối cảnh và phục trang được đầu tư tỉ mỉ, thậm chí trở nên còn ấn tượng hơn trong phiên bản dày công phục chế bởi Viện Phim Anh Quốc, với phần nhạc phim soạn cho tám nhạc cụ Ấn Độ và phương Tây do nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy Anoushka Shankar thực hiện.
Phim “Mùa ổi" (2000) lần theo những đổi thay của Việt Nam qua đôi mắt của một chàng trai hiền lành tử tế, Hòa (Bùi Bài Bình). Một tai nạn thời thơ ấu đã khiến đầu óc Hòa trở nên không bình thường, anh được chị mình (Lan Hương) chăm sóc hơn 30 năm. Luôn đắm chìm trong những hồi ức đẹp, Hòa bị thu hút và tìm về căn nhà cũ của cha anh, nay thuộc quyền sở hữu của con gái một doanh nhân. Họ đã vun đắp một tình bạn thầm lặng cùng nhau, song luôn gặp khó khăn bởi những hiểu nhầm của những người xung quanh.
Chương trình chiếu phim sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 các buổi tối từ 15-18/1/2019 tại Phòng chiếu 2, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.