Tác giả phóng sự “Long Thành muốn cười” và nhân vật.
Phóng sự “Long Thành muốn cười” dài 28 phút 31 giây được phát trên kênh truyền hình ARD của Đức một năm trước. Đây là tác phẩm kể về những nạn nhân da cam bị nhiễm độc từ chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 40 năm sau chiến tranh, các thế hệ người Việt Nam vẫn tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả từ chất độc da cam, như trường hợp cậu bé Long Thành, 15 tuổi, trong phóng sự.
Tuy nhiên, vượt lên số phận, cậu bé Long Thành vẫn sống đầy nghị lực và thật đáng khâm phục. Hai anh em Long Thành bị dị tật bẩm sinh do người cha bị nhiễm chất độc da cam và không thể tự làm gì nếu không có sự giúp đỡ.
Để thực hiện phóng sự này, đoàn làm phim đã tới Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh gặp trực tiếp các nạn nhân cũng như tận mắt thấy những hình hài dị dạng không được may mắn làm người. Dưới góc nhìn của tác giả Philipp Abresch, không chỉ là một Long Thành đầy nghị lực mà còn mang đến cho công chúng thế giới những hình ảnh sinh động về chất độc mà quân đội Mỹ sử dụng với quy mô lớn để phát quang những cánh rừng Việt Nam trong những năm chiến tranh. Hậu quả kinh hoàng còn để lại trong đất, trong nước và cả con người. Hiện vẫn còn hàng triệu người Việt Nam phải mang trong mình những hậu quả từ chất độc da cam và 150.000 đứa trẻ sinh ra bị dị tật nặng nề.
Điều đặc biệt là phóng sự này cũng đã đề cập đến việc Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ để xoa dịu nỗi đau da cam, song cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn nghi ngờ, bác bỏ hoặc phủ nhận trách nhiệm, cho rằng “không có mối liên hệ trực tiếp” giữa chất độc da cam với những đứa trẻ dị tật. Trong khi đó, theo Viện Hàn lâm Y học Nga, hậu quả về mặt y sinh học của chất độc da cam đối với con người và môi trường sinh thái là rất nghiêm trọng, vì điôxin là chất độc hại nhất mà loài người đã tổng hợp được. Chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 của những người bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện bệnh lý. Chất độc da cam ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm. Tác động lâu dài của nó có thể lên tới trên 100 năm. Trong thập niên 80, chỉ riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, trung bình mỗi ngày có một trẻ sơ sinh ra đời với dị tật bẩm sinh. Trong thập niên 90, tỷ lệ này giảm xuống còn một ngày rưỡi có một trẻ...
Giải thưởng truyền hình Emmy là giải thưởng cao quý nhất của ngành công nghiệp truyền hình và được xem như giải Oscar cho thể loại truyền hình. Ngoài tác phẩm nêu trên còn 7 tác phẩm truyền hình khác về tin tức và thời sự đến từ 6 quốc gia ở 3 châu lục tham gia tranh giải thưởng Emmy quốc tế. Tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố ở New York (Mỹ) vào ngày 21/9 tới, bên cạnh các tác phẩm về tin tức và phim tài liệu của Mỹ.