Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phim Việt có gì "đấu giải" với 117 phim dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Từ hơn 500 bộ phim đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các chương trình phim của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII diễn ra từ ngày 7 đến 11/11.

Đây là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà qua đó còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách và hội nhập.

Phim Việt có gì "đấu giải" với 117 phim dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội? - 1
Cảnh trong phim Ngày xưa có một chuyện tình.

Tôn vinh tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao

 “Với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, LHP là sự kiện văn hóa nghệ thuật, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, độc đáo của quốc tế và Việt Nam.

Đây là dịp kết nối, giao lưu hợp tác để cùng phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế, góp phần quảng bá Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, đang phát triển mạnh mẽ được UNESCO bình chọn là thành phố sáng tạo”, ông Đông nhấn mạnh, TP sẵn sàng tiếp đón đại biểu, khách quý, các nghệ sĩ tham dự LHP. 

Phim Việt có gì "đấu giải" với 117 phim dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội? - 2
Phim “Em bé Hà Nội” là một trong 4 bộ phim về Hà Nội chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức LHP cho biết: Từ hơn 500 bộ phim đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các chương trình phim của LHP.

Trong 117 phim dài và phim ngắn có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó, 10 phim dài dự thi (9 phim dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Pháp và 1 phim của Việt Nam là “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, năm sản xuất 2024; đơn vị sản xuất: Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê).

19 phim ngắn dự thi, trong đó 11 phim nước ngoài đến từ các nước: Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Hoa Kỳ, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Hy Lạp và 8 phim Việt Nam gồm các thể loại tài liệu, hoạt hình, phim truyện. Có 7 phim trong Chương trình Tiêu điểm điện ảnh Đức.

Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama) có 38 phim, trong đó có 23 phim dài, 15 phim ngắn. Chương trình phim Việt Nam đương đại có 34 phim, trong đó có 22 phim truyện, 6 phim tài liệu, 6 phim hoạt hình…

Lần đầu tiên chiếu chương trình phim đặc sắc về Hà Nội

Trong khuôn khổ LHP, lần đầu tiên, Ban tổ chức có chương trình phim về Hà Nội với 9 tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại, trong đó 4 phim truyện về Hà gồm: “Em bé Hà Nội” (đạo diễn, NSND Hải Ninh), “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (đạo diễn, NSƯT Nguyễn Xuân Sơn); Phim “Hà Nội mùa đông 46” (đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh) và “Long Thành cầm giả ca” (đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn).

Trong số này, phim “Em bé Hà Nội” - một trong 5 bộ phim của đạo diễn, NSND Hải Ninh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2007).

Tại LHP Việt Nam lần 3 năm 1975, phim đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất, cùng các giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất; Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Phim “Hà Nội mùa đông 46” là một trong 4 bộ phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2007). 

Phim cũng giành giải Bông Sen Bạc cho phim truyện xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 12 (1999); đạo diễn Đặng Nhật Minh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất, ngoài ra là Giải quay phim xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc nhất. 

Chương trình phim chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII cũng sẽ chiếu phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, cùng 4 phim hoạt hình “Nữ tướng Mê Linh”, “Sự tích đền Bạch Mã”, “Sự tích đền Voi Phục”, “Truyền thuyết gươm thần”.

Bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hà Nội cho biết, nhằm phục vụ khán giả, các rạp chiếu phim có chất lượng tốt và địa điểm chiếu phim ngoài trời đã được chọn lựa kỹ để chiếu các bộ phim tham dự LHP.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tổ chức chương trình Gala dinner tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt Nam gửi tới các đại biểu tham dự LHP. Hà Nội cũng chuẩn bị các điểm di tích gồm: Di tích Hỏa Lò, Tháp nước phố Hàng Đậu và Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ các đại biểu tham quan.

Đăng Khoa

Báo Lao động và Xã hội số 134