Theo thông tin từ những nhà sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp cho mùa Giáng sinh năm nay, nhiều bộ phim có nội dung hài, ma, đang được ráo riết dàn dựng. Vừa bấm máy vào đầu tháng 7 là bộ phim “Già gân, mỹ nhân và găngtơ” là dự án điện ảnh mới của đạo diễn Đức Thịnh. Phim có sự tham gia của danh hài Hoài Linh, Trường Giang, ca sĩ Tóc Tiên và Thương Tín. Nội dung của bộ phim này được nhà sản xuất hé lộ là có yếu tố hài hước và dự kiến ra mắt vào dịp Giáng sinh.
Hai phim dự kiến ra rạp vào tháng 8 này là “Kung fu phở” và “49 ngày”. “Kung fu phở” là bộ phim hài hành động do đạo diễn Nguyễn Quốc Duy dàn dựng có sự tham gia của Mỹ Duyên, Diễm My 9x, Mai Sơn... Phim kể về cuộc chiến tranh giành bí kíp và cả tình yêu của Vân Nhi của Vũ Gia (Hoàng Phúc đóng) và Cồ Gia (Mai Sơn đóng) đã trở thành một cuộc chiến “long trời lở đất”…
Với một cái tên có vẻ hơi... ma quái, bộ phim “49 ngày” dự kiến ra rạp vào ngày 2/9. Đây là bộ phim dựng lại từ kịch bản của Hàn Quốc. Theo nhà sản xuất là sẽ có ma nhưng không phải là kiểu phim ma kinh dị. Ngoài ba bộ phim trên thì chỉ có bộ phim “Hy sinh đời trai” là không có yếu tố hài và ma. Phim có sự tham gia của Thái Hòa, Bình Minh, Phi Nhung, Đinh Y Nhung, Thân Thúy Hà, Hồ Ngọc Hà... Nội dung bộ phim này là câu chuyện về Linh, một công tử nhà giàu có đam mê với đờn ca tài tử nhưng lại sợ đàn bà…
Cảnh phim “49 ngày”
Với những bộ phim vừa nêu, có thể thấy chủ đề của phim không còn mới lạ, hấp dẫn, dù các nhà làm phim đã cố gắng sáng tạo, đi tìm cái mới. Phim “Kung fu phở” khi xem trailer bị khan giả chê là na ná kiểu hài của vua hài Hong Kong Châu Tinh Trì, được Việt hóa non tay. Những phim ma, phim hài còn lại cũng chỉ là những mảng miếng, chiêu trò chọc cười quen thuộc ăn theo những gương mặt hài danh tiếng như Hoài Linh, Thái Hòa, Tấn Beo... Xem trailer của những phim này, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự thất vọng vì phim không có gì hấp dẫn, mới mẻ.
Một khán giả tên Thúy Oanh bày tỏ: “Cứ loay hoay hài, kinh dị... thì có gì lạ nếu khán giả Việt sẽ từ coi thử cho biết sang chán không muốn coi nữa”. Thực tế cho thấy, nhiều phim Việt giờ không còn tính sáng tạo mà chỉ là sự sao chép, bắt chước lẫn nhau. Thiếu sáng tạo thì còn gì là nghệ thuật nữa?
Hơn 10 năm trở lại đây, khi có cơ chế xã hội hóa cho ngành điện ảnh, nền điện ảnh tư nhân ở ta bắt đầu hình thành và có những bước đi chập chững. Bức tranh bước đầu khởi sắc. Nhưng rồi nhiều năm qua, nhìn đi nhìn lại, những bộ phim tư nhân công chiếu ở rạp vẫn chỉ chú tâm khai thác hết yếu tố hài đến ma, kinh dị, chuyện scandal của nghệ sĩ, cảnh nóng… để câu khách. Phim Nhà nước vẫn đặt nặng yếu tố tuyên truyền, nặng về chính luận như kiểu những bộ phim lịch sử được làm gần đây, nên khó thu hút khán giả.
Lý giải vì sao điện ảnh Việt gần đây ít có phim hay, nội dung phim chỉ mang tính giải trí đơn thuần, thiếu tính tư tưởng và sự mô tả, khái quát cuộc sống, nhiều chuyên gia và nghệ sĩ cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân là chính sách, chiến lược phát triển điện ảnh của ta chưa có; đội ngũ làm phim hiện đang thiếu và yếu. Đa phần những nhà làm phim tư nhân chạy theo lợi nhuận nên chỉ làm phim dạng “vô thưởng vô phạt” ít đụng chạm,miễn sao bán vé càng nhiều càng tốt chứ không muốn đầu tư làm phim nghệ thuật, phim có tư tưởng…
Thiếu những nhà làm phim tâm huyết, có tâm và có tầm, chất lượng nghệ thuật của điện ảnh Việt ngày càng đi xuống. Nhìn vào thực tế, ngành điện ảnh của ta gần đây gần như phó mặc cho các nhà làm phim tư nhân mạnh ai nấy làm, chẳng quan tâm đến sự định hướng nội dung tư tưởng, phong cách và bản sắc văn hóa. Và như thế, chỉ có những bộ phim làm kiểu nghĩ ra thứ gì làm thứ đó, “giật gấu vá vai”, “ăn đong thời vụ” như hiện nay.