Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được giao thực hiện công tác xúc tiến thương mại từ những năm 90 của thế kỷ trước. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có sáng kiến đề nghị cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp được tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài để kết nối giao thương, tận dụng cơ hội của quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước nơi đoàn đến để phát triển thương mại, đầu tư.
Quy định rõ ràng nhưng…
Về luồng ý kiến ngoài doanh nghiệp kết nối giao thương, có 1 số doanh nghiệp đi để được chụp ảnh trên chuyên cơ lãnh đạo? ông Phòng cho rằng, trước dây cũng có thực trạng này. Nhưng hiện nay không còn.
Doanh nhân hiện nay tính toán dựa trên việc, thời gian cấp thẩm quyền cho phép. Hơn nữa, chính quyền hiện nay rất thân thiện, lãnh đạo các cấp tiếp xúc với doanh nghiệp rất nhiều và trong thương trường không đánh giá quen ông này ông kia. Họ đánh giá chất lượng sản phẩm để ký kết hợp đồng.
Về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp chỉ kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép và việc này đã và đang được đánh giá tích cực. Trước đây, quy mô nền kinh tế vừa phải, Phòng Thương mại và Công nghiệp thường chọn những địa bàn như Ấn Độ, châu Phi và chỉ vài chục doanh nghiệp tham gia do căn cứ vào quy mô quan hệ kinh tế của Việt Nam với nước bạn.
Tuy nhiên, từ năm 2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp có quy chế cụ thể từ việc lựa chọn doanh nghiệp, xác minh yêu cầu và căn cứ yêu cầu thực tế từ việc đối tượng nào được đưa vào danh sách. Phòng Thương mại và Công nghiệp sẽ thẩm định xem doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu sang nước đó hay chưa, dự án muốn kêu gọi đối tác liên doanh hay kêu gọi đầu tư, hoặc giới thiệu gói sản phẩm dịch vụ, du lịch và doanh nghiệp đang có với nước bạn... "Phòng Thương mại và Công nghiệp nhìn thấy sự phù hợp của doanh nghiệp và nhận được sự cho phép mới tiến hành chấp thuận để doanh nghiệp tham gia" - vị này nói.
Ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ, một yếu tố nữa là doanh nghiệp phải bố trí được thời gian đi và phải tự chịu kinh phí ăn ở, đi lại tại nơi đó. Hoạt động của đoàn doanh nghiệp phải kết nối với đoàn báo chí, đoàn lãnh đạo chung của cả đoàn, tuân thủ nguyên tắc đi công tác cấp cao. Thông thường Phòng Thương mại và Công nghiệp khi được giao tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp sẽ thành lập đoàn, trình cấp thẩm quyền và đưa doanh nghiệp đi, thành lập chương trình, lịch trình cụ thể.
…thật đáng tiếc
Ông Phòng cho biết thêm, chuyến đi thường kéo dài từ 3 - 4 ngày, diễn đàn doanh nghiệp chỉ là một phần trong khoảng 2 - 5 tiếng. Thời gian còn lai, Phòng Thương mại và Công nghiệp bố trí để doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp xúc, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp với đối tác càng nhiều càng tốt, mục tiêu giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác… và sau khi kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp có báo cáo đánh giá kết quả lại.
Trong chuyến đi, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của đoàn công tác đề ra, doanh nghiệp làm gì phải có báo với thư ký biết. Bởi ở Việt Nam, chủ doanh nghiệp có bộ máy hỗ trợ nhưng đi trong đoàn phải tuân thủ quy định của Ban Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp đặt ra. Thường Ban Thư ký từ 3 - 5 người, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác như công an, đại sứ quán… phục vụ toàn bộ đoàn doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu đi đến nơi, về đến chốn. "Lúc đầu, nhiều doanh nghiệp khó chịu với điều này nhưng dần dần doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ" - ông Phòng nhấn mạnh.
Ông Phòng cho biết thêm, quy trình lựa chọn doanh nghiệp rất rõ ràng. Phòng Thương mại và Công nghiệp ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp biết tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi. Còn khi làm các chương trình kết nối, doanh nghiệp không giao tiếp được, Phòng thương mại và Công nghiệp sẽ hỗ trợ. Với doanh nghiệp có dự án lớn, Phòng Thương mại và Công nghiệp yêu cầu doanh nghiệp có người sang trước chuẩn bị, khi đi với lãnh đạo nếu có thể chốt và ký kết hợp đồng để tránh mất thời gian.
"Từ trước tới nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp đã tổ chức khoảng vài trăm chuyến đưa doanh nghiệp đi cùng lãnh đạo cấp cao. Quy mô đoàn phụ thuộc vào nước đến. Ví dụ các nước như Myanmar, đoàn khoảng vài chục người. Nếu đi các nước như Nga, Hoa Kỳ, các đoàn sẽ đông hơn" - ông Phòng thông tin.
Khoảng trống cần lấp
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin thêm, mỗi chuyến đi gồm nhiều đoàn nhỏ, đoàn chính thức do Bộ Ngoại giao tổng chỉ huy.
Đối với đoàn doanh nghiệp phải xác định rõ mục đích đi tìm kiếm cơ hộ đầu tư kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng. Với trách nhiệm được giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp đã lên lịch trình cụ thể từng thời gian giao cho các thành viên.
Các doanh nghiệp trong đoàn từ khi họ bước lên máy bay, đi ăn sáng, sau ăn sáng làm gì… đều được ghi rõ. Trước chuyến đi chính thức, Phòng Thương mại và Công nghiệp có cả tiền trạm về nơi ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm việc, kể cả việc đảm bảo sức khỏe…
Trả lời câu hỏi sâu về quá trình lựa chọn doanh nghiệp như thế nào? Ông Hoàng Quang Phòng khẳng định: Phòng Thương mại và Công nghiệp có mạng lưới doanh nghiệp trên toàn quốc và quan hệ trên 180 tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới nên đầu mối sắp xếp việc tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ngoài hỗ trợ, chi phí mỗi DN tham gia đoàn cấp cao tùy thuộc vào thời điểm, địa điểm nước đến, có thể dao động từ vài trăm đến vài nghìn USD/chuyến đi/DN.
Khi có quyết định thành lập đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp căn cứ quy mô chuyến đi, địa điểm đến, số liệu hợp tác giữa điểm đến và Việt Nam như số lượng kim ngạch xuất nhập khẩu, sản phẩm hợp tác nổi trội là gì, Việt Nam bán được sản phẩm gì sang nước đó hoặc kéo được công nghệ gì về Việt Nam. Trên cơ sở đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành lập đoàn gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và có những doanh nghiệp chỉ hoạt động thương mại đơn thuần.
Những doanh nghiệp đi là bộ mặt của đoàn, bộ mặt của quốc gia và chính bộ mặt của doanh nghiệp nên phải văn hóa, lịch sự, thậm chí Phòng Thương mại và Công nghiệp phải tập huấn trước chuyến đi. Để tạo ấn tượng cho đối tác khi kết nối giao thương. Ngoài ra, các thẩm tra khác không để doanh nghiệp nợ thuế, gian lận thương mại tham gia đoàn cấp cao được.
Về sự việc 9 người bỏ trốn, ông Phòng cho rằng, có thể do khoảng trống trong quá trình quản lý thực tế. Cũng có thể sơ hở để bị lợi dụng… Việc doanh nghiệp, hay cá nhân bỏ trốn trong chuyến đi là một điều đáng tiếc, và làm xấu đi hình ành một Việt Nam đang hội nhập. Do đó, để đảm bảo và tránh sự cố đáng tiếc, như đã nói ở trên, đơn cử Phòng Thương mại và Công nghiệp sẽ giao nhiệm vụ của đơn vị trực tiếp liên hệ ăn ở để đảm bảo an toàn thực phẩm, chỗ ở, đi lại để làm việc chứ không phải như đi du lịch.