Toàn cảnh phiên họp (Ảnh trong bài: Bộ Ngoại giao cung cấp)
Các Bộ trưởng đã nghe báo cáo về tình hình hoạt động của AICHR trong năm qua cũng như các kết quả đạt được của AICHR sau 10 năm thành lập.
Các Bộ trưởng hoan nghênh đóng góp tích cực của AICHR trong việc xây dựng và thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 cùng với các nỗ lực thúc đẩy lồng ghép nhân quyền trong hoạt động hợp tác chuyên ngành ASEAN, cùng với việc đẩy mạnh giáo dục và tăng cường nhận thức về nhân quyền trong người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Các Bộ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo về định hướng hoạt động của AICHR trong thời gian tới, trong đó có Chương trình Ưu tiên 2020 và Kế hoạch Công tác AICHR giai đoạn 2021-2025.
Các Bộ trưởng mong muốn AICHR tiếp tục tăng cường hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Ngay sau cuộc gặp với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Uỷ ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Tại Hội nghị, các nước ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa của Hiệp ước SEANWFZ, thể hiện mong muốn và quyết tâm chung gìn giữ khu vực Đông Nam Á hoàn toàn không có các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Theo đó, các nước nhất trí đẩy mạnh nỗ lực triển khai đầy đủ, hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ giai đoạn 2018-2022 trên cả 4 nội dung:
Thứ nhất, tuân thủ các cam kết nêu trong Hiệp ước, gồm tham gia đầy đủ các văn kiện quốc tế về chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình.
Thứ hai, tiếp tục tham vấn với 5 nước có vũ khí hạt nhân về việc gia nhập Nghị định thư của Hiệp ước, qua đó bảo đảm các nước này cam kết tôn trọng khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với Tổ chức Năng lượng nguyên tử (IAEA) và các đối tác khác nhằm tranh thủ chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời tích cực thúc đẩy vai trò, uy tín của SEANWFZ tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc; trước mắt sớm xúc tiến ký kết văn bản hợp tác giữa Mạng lưới cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử của ASEAN (ASEANTOM) với IAEA vào tháng 9/2019 để chính thức hoá quan hệ giữa hai bên.
Thứ tư, thúc đẩy các cơ quan chuyên môn của ASEAN tham gia triển khai những nội dung phù hợp nêu trong Hiệp ước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của SEANWFZ đối với việc bảo đảm khu vực hoàn toàn không có các loại vũ khí hạt nhân và huỷ diệt hàng loạt.
Nhất trí với việc tiếp tục nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động 2018-2022, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn hạt nhân ở khu vực, trong đó chú trọng nâng cao khả năng ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố phóng xạ, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về năng lượng nguyên tử và về cứu trợ, ứng phó thiên tai, sự cố.
Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục đề cao vai trò và đóng góp của SEANWFZ vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt hân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Về Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN nỗ lực hơn nữa, có các giải pháp sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho 5 nước có vũ khí hạt nhân ký Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi bên lề AMM52
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi.
Hai Bộ trưởng đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về các vấn đề trên biển.
Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.
Thanh Nhung