Tham dự buổi lễ phát lệnh khởi công dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tại tỉnh Bình Thuận) có ông Trịnh Đình Dũng - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Quang Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; ông Lưu Xuân Dũng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận…
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km; Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT.
Giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh: đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường Bnền=32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Phát lệnh khởi công dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trọng tâm của đột phá hạ tầng giao thông là tập trung xây dựng phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng và hạ tầng các khu đô thị lớn. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 trình Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu phải đưa nước ta trở thành nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại.
"Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước yêu cầu phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó khâu đột phá quan trọng là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại mà trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hạ tầng đô thị lớn. Trong đó, phải ưu tiên phát triển đường bộ cao tốc", Phó Thủ tướng nói.
"Thay mặt Thủ tướng Chính phủ tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT, đồng thời biểu dương các đơn vị như chủ đầu tư, ban quản lý Dự án 7, nhà thầu…và các địa phương có dự án đi qua đã phối hợp giải phóng mặt bằng rất kịp thời. Đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của người dân ở những khu vực có hệ thống đường cao tốc đi qua", Phó Thủ tướng biểu dương.
Cũng theo Phó Thủ tướng, để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình giao thông vào khai thác sử dụng, trước hết, yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn để thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
"Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Bình Thuận phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án.
Công nhân nhà thầu Đạt Phương sẵn sàng cho lễ phát lệnh khởi công dự án.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.
Trong đó, cần tạo thuận lợi trong việc quy hoạch, quản lý các điểm mỏ đất, đá, vật liệu xây dựng, bãi thải… phục vụ quá trình thi công dự án; triển khai các công trình phụ trợ, kết nối, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của công trình sau khi hoàn thành.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án thành phần đã hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện để khởi công theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi lễ, ông Phạm Kim Châu - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đạt Phương, Đại diện liên doanh các nhà thầu cho biết, hiện nay dự án đã triển khai giải phóng mặt bằng hơn 99% và đã đủ điều kiện để thi công.
"Là liên doanh nhà thầu được lựa chọn thi công dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các công ty như: Tổng Công ty xây dựng Thăng Long; Công ty CP Đạt Phương; Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đều là những doanh nghiệp có bề dày trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, tôi xin đại diện liên doanh các nhà thầu cam kết sẽ triển khai dự án đúng kỹ thuật, đúng tiến độ…", ông Châu khẳng định.
Cũng theo ông Châu, trong những năm gần đây Đạt Phương luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Cùng với nguồn tài chính lành mạnh và ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với trang thiết bị, máy móc hiện đại là cơ sở vững chắc để Đạt Phương tham gia đấu thầu nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, yêu cầu đảm bảo chất lượng -uy tín -tiến độ.
1. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 02 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km:
- Điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
- Điểm cuối (Km337+478,11) tại nút giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
- Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế (Bnền=17m); vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.
- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT.
- Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 06 làn xe (Bnền= 32,25m), vận tốc thiết kế 120km/h;
2. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km:
- Điểmđầu: Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).
- Điểmcuối: Km235+00, giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây).
- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT.
- Giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô 04 làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.
- Giai đoạn hoàn chỉnh: đầu tư xây dựng 06 làn xe, bề rộng nền đường Bnền=32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
3. Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 02 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km):
- Điểm đầu: Nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
- Điểm cuối: Kết nối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125.
-Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT.
- Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng (Bnền= 25,0m). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng.Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, (Bnền= 32,25m).