GS. Pierre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu thế giới, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Cơ duyên đã đưa ông đến Việt Nam vào năm 2001, với mong muốn xây dựng một nhóm nghiên cứu về Vật lý Thiên văn - lĩnh vực rất ít được nghiên cứu tại Việt Nam, nhưng lại là một nhánh phát triển năng động bậc nhất của vật lý hiện đại. GS. Pierre Darriulat đã thành lập Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý Thiên văn Việt Nam (VATLY) tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Việt Nam, thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý Thiên văn và đào tạo được 6 tiến sĩ, 9 thạc sĩ và tiếp nhận nhiều sinh viên của 15 khóa tới làm luận văn tốt nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu của VATLY đã được đăng trên các tạp chí uy tín trong lĩnh vực Vật lý. Hiện nay, nhóm nghiên cứu VATLY gồm 6 người, 5 trong số đó là các tiến sĩ đã được Giáo sư Darriulat giúp đỡ để học tiến sĩ theo mô hình hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Pháp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, chúc Tết Giáo sư Vật lý Pierre Darriulat. Ảnh: Đình Nam/TTXVN phát.
Trong câu chuyện với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS. Pierre Darriulat nhắc lại sự kiện cách đây 15 năm, ông đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục đại học, khoa học và công nghệ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có “một cuộc cách mạng” trong đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam theo hướng tự chủ đúng như quốc tế đã đạt được những kết quả bước đầu. Sắp tới cần phải đẩy mạnh thực hiện quyết liệt hơn nữa việc đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học.
Đến thăm NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; nhà văn Ma Văn Kháng - người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Phó Thủ tướng chia sẻ trong điều kiện hiện nay, truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc có nguy cơ và thực tế đang bị xâm lấn bởi tội phạm, tệ nạn xã hội, lối sống ích kỷ, thực dụng, chạy theo danh lợi trong một bộ phận người Việt. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là không chỉ gìn giữ, phát huy mà còn phải làm mới, làm giàu, bồi đắp giá trị các di sản, tác phẩm giá trị được các thế hệ cha ông trao truyền lại. Làm sao các thế hệ đi trước truyền lại ngọn lửa, kinh nghiệm cho lớp sau để văn hóa truyền thống của Việt Nam được tỏa sáng, hiện đại, hội nhập, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc, để những nét văn hóa truyền thống vẫn có sức lôi cuốn đương đại. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đóng góp quan trọng của các văn nghệ sĩ trong việc phát huy, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp thêm sức mạnh, cảm hứng vào công cuộc đổi mới, cổ vũ cái mới, cái tốt, đồng thời mang theo hơi thở của thời đại, hòa trong dòng chảy chung của văn minh nhân loại
Thăm Đại tá, NSƯT. Thanh Loan, người ghi dấu ấn trong nền điện ảnh Việt Nam với vai diễn “Ni cô Huyền Trang” trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, Phó Thủ tướng đã trao đổi, chia sẻ về những vấn đề đang đặt ra đối với điện ảnh Việt Nam hiện nay. Bên cạnh các bộ phim mang tính giải trí, sử dụng nhiều kỹ thuật, kỹ xảo hiện đại, điện ảnh Việt Nam đang rất cần những kịch bản hay, hấp dẫn; xây dựng đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp; những bộ phim có kịch bản kinh điển với kỹ thuật làm phim hiện đại.
Phó Thủ tướng cho rằng thời kỳ trước đây, trong điều kiện còn khó khăn hơn nhiều chúng ta vẫn có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị tư tưởng, giáo dục sâu sắc. Vì vậy, vấn đề chưa hẳn nằm ở đội ngũ viết kịch bản hay diễn viên mà cần có những cơ chế, định hướng để phát huy hết sức sáng tạo của từng cá nhân văn nghệ sĩ. Việc nhà nước đặt hàng những bộ phim cần được thực hiện theo hướng không chỉ phụ thuộc vào quy mô, truyền thống của hãng phim mà phải dựa trên chính tài năng của người làm phim.