Tham dự buổi Toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Duy Nhiên, Chuyên gia Giáo dục Kỹ năng sống, chia sẻ: “Khác với người trưởng thành, trẻ em chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn từ môi trường sống xung quanh: từ gia đình, tới cộng đồng, và trường học. Nguyên nhân là do sự non nớt trong trải nghiệm sống của các em, cần nhiều hỗ trợ, định hướng, uốn nắn của cha mẹ và thầy cô giáo.”
Để giải thích kỹ hơn về luận điểm này, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận, Chuyên gia Tâm - Sinh lý trẻ em, đã phân tích về các nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực trong trường học, bao gồm: nguyên nhân chủ quan - sự chưa hoàn thiện; thiếu ổn định về tính cách khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc; nhận thức chưa đầy đủ của trẻ về các tình huống, hoàn cảnh xảy ra do thiếu kiến thức và trải nghiệm sống; và nhu cầu muốn chứng minh, khẳng định bản thân mình. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan cũng được chỉ ra là đến từ môi trường gia đình và trường học, chưa trang bị cho trẻ kỹ năng sống và giá trị sống cần thiết để đối mặt với những tình huống bạo lực một cách tích cực và hiệu quả nhất.
“Thiếu những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết, trẻ sẽ luôn bị giới hạn bởi hai thái cực tâm trạng phổ biến khi có trải nghiệm bạo lực học đường: một là – cảm thấy lo sợ, yếu đuối và bất lực, hai là – phản kháng dữ dội, thiếu kiểm soát. Đây đều là hai cách hành xử bị động, khiến tình trạng bạo lực học đường kéo dài, để lại những tổn thương tâm lý nghiêm trọng lên đời sống của trẻ”, PGS.TS. Nguyễn Duy Nhiên bổ sung.
Khi hồi tưởng lại những trải nghiệm trong quá khứ, YouTuber Lê Xuân Đức cũng nhấn mạnh về tác động tiêu cực và lâu dài của việc bị bắt nạt trong trường học lên sự phát triển của trẻ em: khiến trẻ cảm thấy bế tắc, bất an và lo sợ triền miên, làm giảm sút chất lượng học tập và gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khoẻ tinh thần và thể chất của trẻ.
Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường
Với sự đồng hành của nhà tài trợ Orion Food Vina, Sáng kiến “Lớp học vui | Hope in Class” đã, đang và sẽ hỗ trợ 40 trường mục tiêu tổ chức các sự kiện thường niên nhằm trang bị cho học sinh, phụ huynh và giáo viên thông tin, kỹ năng cần thiết để ngăn chặn bạo lực trong trường học. Với tổng giá trị lên tới gần 4,9 tỉ đồng, sau hai năm triển khai tại tỉnh Thanh Hóa và TP. Hải Phòng, đã có 19.655 trẻ em được tham gia và hưởng lợi từ Sáng kiến này.
“Sự liên kết mật thiết, tin cậy từ khi còn nhỏ giữa cha mẹ và con trẻ là vô cùng quan trọng. Khi là người bạn đồng hành của con từ những năm tháng đầu đời, cha mẹ có thể thấu hiểu, kịp thời hỗ trợ, và định hướng cho trẻ để con có cái nhìn đúng đắn, từ đó, có thái độ, hành động phù hợp trong các tình huống khác nhau, bao gồm cả các tình huống liên quan đến bạo lực. Sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp con cởi mở, tin tưởng cha mẹ trong mọi hoản cảnh, mọi giai đoạn trưởng thành, kể cả trong các tình huống khó khăn, nhạy cảm nhất”, YouTube Lê Xuân Đức chia sẻ.
Ngoài ra, cô Đào Thị Thuỳ Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên (Quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý, tiếp nhận thông tin liên quan đến bạo lực học đường một cách tinh tế và khéo léo của thầy cô giáo và cha mẹ.
“Trường học cần thiết lập một cơ chế báo cáo ưu tiên sự riêng tư và tính bảo mật cho học sinh, để không đặt các em vào những tình huống khó xử, ảnh hưởng đến sự an toàn, gây bất lợi cho việc học tập và sinh hoạt nói chung. Các nền tảng công nghệ thông tin, mạng xã hội đang hỗ trợ rất tích cực cho quá trình này, giúp thầy cô giáo và cha mẹ có thể cùng phối hợp để can thiệp, hỗ trợ trẻ trong thời gian ngắn nhất”, cô Thuỳ Dương giải thích thêm.
“Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, ngôn ngữ tích cực trong gia đình và trường học là tiền đề để hai bên phối hợp, đồng hành hiệu quả, giúp tạo sự đồng bộ, thống nhất trong môi trường sinh sống và học tập của trẻ”, anh Lê Xuân Đức bổ sung.
“Bạo lực học đường ngày càng phổ biến hơn, đang dần trở thành một vấn nạn xã hội. Vì thế, cơ chế hợp tác, trao đổi thường nhật giữa cha mẹ và thầy cô giáo ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng hơn. Tuy nhiên, khi hỗ trợ xử lý các tình huống bạo lực, việc giữ một "cái đầu lạnh" và tinh thần trung lập để khách quan phân tích vấn đề sẽ quyết định cách ứng xử của cha mẹ, giúp giải quyết vấn đề bạo lực một cách tích cực và phù hợp nhất”, PGS.TS. Nguyễn Duy Nhiên nhấn mạnh.
Nỗ lực chấm dứt mọi hình thức bạo lực học đường đối với trẻ em
Trước những diễn biến của tình trạng bạo lực trong trường học tại Việt Nam, Sáng kiến "Lớp học vui | Hope in Class" đã chủ động kết nối gia đình và trường học trong các hoạt động, để trường học không còn là sân chơi riêng của các con nữa mà có sự hiện diện và sát sao của cha mẹ. Đối tượng hưởng lợi của Dự án không chỉ là trẻ em mà có cả cha mẹ/người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo. Cụ thể, khi tham gia các hoạt động của Sáng kiến “Lớp học vui | Hope in Class”, cha mẹ/ người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo được trang bị kiến thức và kỹ năng để đồng hành với trẻ hiệu quả hơn. Chính sự tham gia tích cực và gắn kết chặt chẽ dựa trên cở sở thấu hiểu và đồng cảm giữa gia đình và trường học sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, mang lại cho các em một môi trường sống an toàn, tràn đầy tình yêu thương, giúp các em phát huy hết các tiềm năng, trở thành những thành viên tích cực của xã hội trong tương lai.
Để làm được điều này, cô Đào Thị Thuỳ Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên đóng góp ý kiến rằng, trường học cần triển khai hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, đồng thời tận dụng thế mạnh của truyền thông - mạng xã hội để duy trì kết nối thường xuyên, giúp thầy cô giáo và cha mẹ phối hợp hiệu quả hơn, để trẻ luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tối đa trong suốt quá trình phát triển của mình.
“Không bao giờ là quá muộn để cha mẹ và thầy cô giáo làm bạn cùng trẻ em. Chúng ta luôn có thể tiếp cận con trẻ dựa trên những trải nghiệm và nhu cầu của trẻ vào thời điểm đó. Ví dụ: trẻ cần tư vấn về phương pháp học tập, cần được giải đáp những thắc mắc về giới tính, nghề nghiệp, hay các mối quan hệ”, PGS.TS. Nguyễn Duy Nhiên gợi ý.
“Một trong những phương pháp để phòng tránh bạo lực trong trường học là tạo ra cho con trẻ những mối quan tâm nhân văn khác bên cạnh việc học hành. Ví dụ: âm nhạc, hội hoạ, thể thao. Bên cạnh đó, việc trang bị cho con nền tảng kỹ năng để tự bảo vệ mình (ví dụ: võ thuật) cũng đóng góp tích cực trong việc giảm thiểu nguy cơ bạo lực đối với trẻ em trong trường học”, YouTuber Lê Xuân Đức chia sẻ từ những kinh nghiệm nuôi dạy con của mình.
Sự kiện “Lớp học vui | Hope in Class - BỘ BA PHI THƯỜNG” góp phần hưởng ứng Sáng kiến 5 năm về “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” do tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017. Sáng kiến hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức và kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng góp sức xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo an sinh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất.