Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học

Ngày 4/6, tại TP. Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị về phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học. Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tới 63 Sở GDĐT, các phòng GDĐT và nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu

Báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian vừa qua, công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao. Bộ GD-ĐT luôn coi công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của Ngành. Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về GD-ĐT. Trong đó, công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.

Việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường được nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền và đoàn thể hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo nên sự chuyển biến tốt trong thời gian vừa qua. Bằng nhiều biện pháp kết hợp đồng bộ, số vụ bạo lực học đường được ghi nhận qua từng năm học có chiều hướng giảm.

Ở mỗi cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn. Từ đó, tạo ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng, chống bạo lực học đường.

Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp đã nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác phòng chống bạo lực học đường, lao động trẻ em và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. 

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 1 triệu trẻ em được xác định là lao động trẻ em. Trong đó, có gần 50% các em hiện vẫn tiếp tục đi học, 48,6% hiện đã thôi học và 1,4% chưa bao giờ đi học. Về nguyên nhân và các yếu tố dẫn tới lao động trẻ em rất phức tạp, tập trung vào điều kiện kinh tế - xã hội nghèo nàn, nhận thức hạn chế về các loại hình công việc thích hợp và không thích hợp cho trẻ em, cùng với năng lực hạn chế của các cơ quan có liên quan để giải quyết và thực thi pháp luật một cách hệ thống.

Các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học

Để phòng, chống bạo lực học đường, trong thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện các kế hoạch hành động về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục; Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.

Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường; Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội thông qua các hình thức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các Phòng Tư vấn tâm lý.

Đối với vấn đề phòng ngừa lao động trẻ em, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng trong trường để kịp thời phát hiện trẻ em, học sinh phổ thông có nguy cơ cao trở thành lao động trẻ em và có quy trình phối hợp phòng ngừa. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc đưa trẻ đến trường, hạn chế tối đa việc trẻ phải bỏ học do khó khăn về học tập, kinh tế.

Đại diện của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành giáo dục có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quyền về chăm sóc và bảo vệ trẻ em thông qua việc giáo dục trẻ em biết tôn trọng người khác; Xây dựng kỹ năng cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân. Cùng với đó, nhà trường cũng là nơi có thể phát hiện và đảm bảo ứng phó kịp thời và phù hợp khi trẻ có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bạo lực, bị bỏ rơi, bỏ mặc, bóc lột sức lao động, kỳ thị và bị bắt nạt.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu về tâm lý học đường cũng đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không bạo lực học đường. Trong đó, các cơ quan quản lý cần phải có nhiều chính sách đồng bộ, phối hợp để nâng cao nhận thức, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và điều kiện để các cơ sở giáo dục được tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo; Phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc cho cán bộ quản lý, giáo viên… trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực học đường. Cùng với đó, phải triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, cũng như bồi dưỡng kỹ năng phòng, tránh bạo lực học đường cho giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.