Thủ đoạn bắt cóc trẻ em ngày càng đa dạng và tinh vi
Theo chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu, thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng.
Các đối tượng bắt cóc có thể sử dụng những “chiêu thức” như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng), đối tượng tìm cách tiếp cận, rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng.
Các đối tượng cũng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi.
Đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.
Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.
Thậm chí, có kẻ bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân; Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà đứng khóc tại vỉa hè, đường sá, đối tượng đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi. Lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo, đánh giày…) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực bắt đi…
Do đó, các gia đình nên quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn trẻ em kỹ năng phòng, chống bắt cóc.
Kỹ năng phòng, chống bắt cóc
Cha mẹ cần trang bị cho trẻ các kỹ năng phòng, chống bắt cóc càng sớm càng tốt để đảm bảo trẻ được an toàn.
Khi đưa trẻ nhỏ đến nơi đông người, bạn tuyệt đối không nên rời mắt khỏi trẻ, không nên để trẻ một mình giữa chốn đông người.
Cha mẹ có thể cho con đi dép có tiếng kêu, trang bị đồng hồ định vị cho trẻ. Việc trang bị đồng hồ định vị không phải chỉ để định vị trẻ, mà đôi khi nhìn thấy trên tay trẻ có đồng hồ định vị, kẻ xấu cũng phải chùn bước vì biết rằng người thân của trẻ rất đề cao cảnh giác.
Hoặc bạn có thể đeo thẻ tên tuổi con, số điện thoại của cha mẹ để đề phòng khi không may trẻ đi lạc, người qua đường có thể giúp trẻ liên hệ gia đình.
Trẻ từ 2-3 tuổi trở lên, cha mẹ đã có thể hướng dẫn con nhìn biển chỉ đường, nhìn camera (việc nhìn camera ở những nơi công cộng như trung tâm thương mại, khu du lịch có thể giúp cha mẹ khi trích xuất camera sẽ dễ dàng lần ra dấu vết của con hơn.
Bạn cần dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng" để nhờ giúp đỡ khi chẳng may trẻ bị lạc, đó là thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ hay nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường. Trẻ có thể kể về tình hình của mình và đề nghị họ liên lạc ngay với bố mẹ.
Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc những "người lạ có thể tin tưởng" ở gần đó.
Hãy nhắc trẻ không được nhận bất cứ đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt nào vì chúng có thể có thuốc mê hoặc là cơ hội để kẻ xấu tiếp cận trẻ và hành động.
Cha mẹ dặn trẻ không nên đăng công khai các thông tin cá nhân lên trên mạng, như họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình. Bởi vì bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ. Và bản thân cha mẹ cũng nên đưa những thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
Nếu trẻ bị kẻ xấu lôi đi, thông thường, phản xả tự nhiên, trẻ sẽ la hét hay khóc lóc, nhưng đôi khi người đi đường chỉ nghĩ rằng trẻ đang tức giận điều gì đó, dạy trẻ nếu rơi vào tình huống này, con hãy hét thật to: “Cháu không quen cô/chú/bác” hoặc “Bố mẹ ơi cứu con với” hay tạo ra các hành đồng gây phá hoại như làm đổ/ vỡ đồ trên đường, để người xung quanh nghe thấy và trợ giúp kịp thời.
Trong trường hợp trẻ bị bắt, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không nên tự ý làm bất cứ điều gì vì điều đó có thể khiến cho trẻ gặp nguy hiểm hơn.