Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh lý di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Đây là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền.
Căn bệnh này khiến người mắc phải điều trị suốt đời trong bệnh viện, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người bệnh, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, bệnh đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi.
Theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ước tính, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống.
Thực trạng bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam hiện rất đáng báo động khi ở tất cả các tỉnh, thành phố và các dân tộc trên toàn quốc đều có người mang gene bệnh. Việt Nam có tới 13,8% dân số, tương đương khoảng trên 12 triệu người mang gene bệnh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời.
Ước tính mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.
Với trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời, mỗi năm, Việt Nam cần có trên 2.000 tỷ đồng để tất cả bệnh nhân được điều trị ở mức tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
Theo TS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, bệnh tan máu bẩm sinh đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể coi đây là “quả bom nổ chậm” làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn tài chính quốc gia.
Theo một nghiên cứu mà Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thực hiện từ năm 2017, có những dân tộc tỷ lệ người mang gene Thalassemia lên tới gần 40%.
Xuất phát từ thực tế trên, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp với Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đề xuất Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Hoạt động phòng, chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" và được giao cho Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đảm trách.
Hoạt động phòng, chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Trong giai đoạn 1 của chương trình (từ năm 2021-2025), hoạt động được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An.
Chương trình hướng tới mục tiêu giảm số ca phù thai do bệnh Thalassemia; giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân hiện tại.
Mục tiêu cụ thể của hoạt động là 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh tại các xã có triển khai can thiệp. Có 100% khoa sản tại các bệnh viện tuyến tỉnh tại 5 tỉnh dịch tễ truyền thông, tư vấn về bệnh Thalassemia; có ít nhất 10% cán bộ y tế, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, người có ảnh hưởng đến cộng đồng được nâng cao nhận thức về bệnh.
Những mục tiêu này được thực hiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bệnh; kiểm soát, khống chế sự phát triển của nguồn gene bệnh; hạn chế sinh ra trẻ em bị bệnh để cải thiện chất lượng sống và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
“Hoạt động phòng bệnh Thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, giúp triển khai đồng bộ các chương trình truyền thông, tư vấn, tầm soát gene bệnh, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các địa phương, đồng thời là tiền đề để đẩy mạnh các hoạt động đẩy lùi căn bệnh này trên cả nước”- TS Vũ Đức Bình nhấn mạnh.