Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Các văn bản pháp lý (Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu; Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý Bộ Công Thương; Nghị định 24/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thông tư 26/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh) đã quy định các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với sản xuất rượu thủ công, vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.
Đoàn khảo sát hoạt động sản xuất rượu thủ công tại tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, với địa bàn rộng và thói quen của người dân, việc thực thi các quy định về kiểm soát rượu thủ công còn nhiều khó khăn, dẫn đến tác hại cho xã hội bắt nguồn từ hành vi sản xuất thiếu trách nhiệm liên quan đến đồ uống có cồn. Chính vì vậy, Chương trình đã tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương và lễ phát động chiến dịch tự nguyện kê khai, đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công cho bà con tại Huyện Kim Sơn, để đảm bảo việc sản xuất rượu tại gia đình tuân thủ pháp luật, lan tỏa thông điệp “Phòng, chống rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Chương trình kỳ vọng gia tăng số hộ tự nguyện kê khai, đăng ký sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, tăng số lượng giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu được cấp; nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất rượu thủ công về vấn đề tác hại của rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, bao gồm ý thức trong các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng đồ uống có cồn, lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ pháp luật dưới góc độ kinh doanh và xã hội; Chương trình góp phần hạn chế tác hại do rượu không rõ nguồn gốc gây ra, thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành.
Được biết, tỷ lệ các hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký với cơ quan quản lý và được cấp Giấy phép sản xuất chỉ chiếm 15%; một tỷ lệ rất thấp, thể hiện nhận thức về vấn đề rượu bia trong xã hội, cũng như khả năng quản lý của cơ quan hữu quan còn hạn chế. Để có cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, một trong những nội dung quan trọng của Chương trình ở tỉnh Ninh Bình là tiến hành khảo sát về nhận thức và thực trạng sản xuất rượu thủ công. Ước tính có khoảng 3.000 hộ tham gia vào hoạt động sản xuất rượu thủ công tại tỉnh.
Khánh Linh/GĐ&TE