Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng nguyên nhân chính là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào, gia đình hay trường học, nhất là đối với tuổi mầm non, trẻ có thể gặp những nguy cơ như ngã, bỏng, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, điện giật, đuối nước…
Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, khám phá và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.
Nhập vai một phụ huynh có con nhỏ cần tìm trường học phù hợp cho con, tôi có dịp được đi tham quan khá nhiều trường mầm non cả công lập, dân lập lẫn tư thục. Từ trường mầm non cao cấp đến trường mầm non bình dân, nhìn chung các trường học đều rất có ý thức trong vấn đề phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; tâm lý người làm giáo dục, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất đến với trẻ, và ai cũng sợ trẻ gặp phải các vấn đề tại cơ sở giáo dục của mình.
Để phòng tránh ngã cho trẻ em, một số trường cho lắp rào chắn tại mỗi tầng của tòa nhà, lắp lưới an toàn dọc lan can cầu thang, tại tất cả các cửa sổ cả ở trong lớp học lẫn các phòng sinh hoạt chung như khu vui chơi, bếp ăn, nhà đa năng… Một số chủ đầu tư/hiệu trưởng còn cẩn thận lắp cả lưới võng hứng an toàn cầu thang, giếng trời để đề phòng trẻ có trượt chân ngã ra ngoài cầu thang thì các con vẫn được bảo vệ.
Hầu hết các sân trường đều lát gạch chống trơn để đề phòng trẻ ngã do trơn trượt, nhất là khi trời mưa.
Một số trường học còn cho xây rào chắn quanh các gốc cây để ngăn trẻ không leo trèo.
Tuy nhiên, ngoài các yếu tố nguy cơ cao trên, trẻ vẫn có thể bị ngã khi chạy nhảy, nô đùa cùng chúng bạn, trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao; do đó, điều quan trọng nhất vẫn là sự giám sát cẩn trọng của các giáo viên.
Để phòng, chống điện giật cho trẻ mầm non, các ổ điện, công tắc trong lớp học nên được đặt ở vị trí cao ngoài tầm với của trẻ, các ổ điện nếu đặt ở vị trí thấp cần được che chắn bởi các nắp bịt bằng nhựa. Giáo viên hạn chế để các thiết bị điện trong phòng học. Đặc biệt, không được lơ là vì trẻ vẫn có thể cậy các nắp bịt ổ điện hoặc bắc ghế lên để cắm/rút các phích điện nếu giáo viên không trông chừng cẩn thận.
Phòng, chống tai nạn giao thông: Đây là tai nạn thương tích ít xảy ra trong lớp học nhưng lại thường xảy ra ở sân trường hoặc khu vực trước cổng trường. Để phòng, chống tai nạn giao thông cho trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non cần nghiêm cấm phụ huynh đi xe máy, ô tô trong sân trường. Trong trường hợp trời mưa to, sân trường bị ngập, nhà trường có thể cử một số giáo viên đứng ở cổng để đón các con vào lớp học theo lối đi an toàn.
Tất cả các trường mầm non phải có cổng và hàng rào kiên cố che chắn xung quanh trường. Trong giờ học, giờ chơi, cổng phải được đóng chặt, ngăn cho trẻ chạy ra đường có thể bị tai nạn giao thông hoặc đi lạc. Các cơ sở giáo dục có thể đề nghị địa phương lắp biển báo trường học ở trước lối rẽ vào trường để các phương tiện giao thông giảm tốc độ, tránh các va chạm đáng tiếc có thể xảy ra.
Các giáo viên cũng cần dạy cho trẻ những quy tắc an toàn giao thông cơ bản để trẻ biết được và nhắc nhở cha mẹ nếu họ vi phạm.
Bỏng là một tai nạn thương tích nghiêm trọng có thể xảy ra ở trường mầm non. Để phòng, chống bỏng, các giáo viên tuyệt đối không để trẻ đi lại trong khu vực bếp ăn, không được mang bình nước sôi, hoặc nồi cháo/cơm nóng vào lớp học mà nên múc sẵn ra từng bát. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ bỏng nếu chạm hoặc ngã vào bát cháo dù mức độ nguy hiểm ít hơn. Trong trường hợp trẻ không may bị bỏng, giáo viên cần rửa sạch vết bỏng với nước lạnh và thoa kem chống bỏng cho trẻ, đồng thời thông báo cho Ban giám hiệu và phụ huynh biết.
Đề phòng ngộ độc thực phẩm cho trẻ, các bếp ăn trường học cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Với những học sinh bị dị ứng thực phẩm, giáo viên cần ghi nhớ và tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm này. Trong trường hợp không may, trẻ bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm, ở mức độ nhẹ, giáo viên chủ nhiệm chuyển con tới phòng y tế của trường để thăm khám và theo dõi, nặng phải đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, trẻ mầm non có thể bị ngộ độc thuốc (do gia đình mang đến nhờ giáo viên cho con uống). Trong trường hợp trẻ không may uống thuốc quá liều (như thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh), giáo viên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Trẻ cũng có nguy cơ bị đuối nước tại khu vực trường học. Nếu trường gần ao, hồ, sông, suối, hoặc các công trình đang xây dựng có các hố nước, giáo viên và phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tránh xa khu vực này, nhất là khi trẻ tan học chưa thấy bố mẹ đến đón, có thể chạy ra chơi.
Các xô chậu, chum, vại nước, bể nước trong trường cần được đậy cẩn thận để đề phòng học sinh đuối nước. Nếu trường có bể bơi, giáo viên cần giám sát nghiêm ngặt và trang bị các thiết bị bảo hộ cho trẻ mỗi khi bơi để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây thương tích ở trẻ mầm non không đến từ cơ sở vật chất mà đến từ chính trẻ, đó là bạo lực học đường; ở bậc học mầm non, trẻ có thể bị bạn cào, cấu, cắn, đánh.
Trong thực tế, có không ít trẻ sợ đến lớp hoặc phải chuyển trường vì bị bạn cắn tím tay, cào xước mặt. Ai cũng biết trẻ em hiếu động, nhưng dù hiếu động đến đâu, giáo viên cần dạy cho trẻ hiểu cào, cấu, cắn, đánh bạn là hành vi không được chấp nhận; đồng thời phải tăng cường trông chừng những trẻ có thói quen xấu này.
Ngoài các lưu ý trên, còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là sự quan tâm chú ý của giáo viên khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần tăng cường các tiết học cung cấp các kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích.
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường học tập an toàn và lành mạnh là điều kiện quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.