Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phòng chống xâm hại trẻ em: Những con số gây ám ảnh

Về mặt chính sách và quyết tâm, chúng ta dường như đang phòng chống xâm hại trẻ em rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, số vụ việc xâm hại trẻ em và số trẻ em bị xâm hại thời gian qua vẫn gây ám ảnh cho nhiều người.

Dù chưa thống kê đầy đủ, những con số vẫn gây ám ảnh

Đã nhiều năm nay, các chuyên gia đều cho rằng, con số thống kê của chúng ta trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều sai số, chưa thể đầy đủ được. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào những con số đã được các cơ quan chức năng công bố thì chúng ta cũng đã rất ám ảnh, bởi nhiều trẻ em bị xâm hại, có những vụ kẻ xâm hại quá tàn nhẫn, ra tay rất dã man.

Bé gái vẫn là mục tiêu chính của những kẻ xâm hại. ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: K.T

Bé gái vẫn là mục tiêu chính của những kẻ xâm hại. ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: K.T

Theo số liệu được công bố, trong 2 năm (từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021) hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, hơn 90% (con số chính xác 3.600) là các bé gái, 97% nghi phạm là người quen biết. Theo các chuyên gia thì đây chỉ là “phần nổi của tảng băng”, trên thực tế số trẻ bị xâm hại có thể cao gấp khoảng 10 lần con số đã thống kê được. Điều này là dễ hiểu vì khi con bị xâm hại tình dục, đại đa số các bậc cha mẹ muốn giấu kín để không nảy sinh những rắc rồi về sau (họ nghĩ và hành động như vậy). Một khi gia đình bị hại không muốn công bố thì ai đó có biết loáng thoáng cũng không thể làm rõ vụ việc. Thế là trẻ em vẫn tiếp tục bị xâm hại, những kẻ làm điều xấu, điều ác vẫn không bị trừng phạt.

Các nhà thống kê cũng đã chỉ cụ thể hơn: Trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc biệt, có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: Số trẻ bị xâm hại từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020 là hơn 1.700 trường hợp; từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 2.200 trường hợp, tăng hơn 430 trường hợp.

Đối tượng xâm hại trẻ em trong 2 năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó, hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em (chiếm 77%), thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cơ quan chức năng xác định, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1.500 vụ giao cấu với trẻ em. Trong 2 năm, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân. Bộ Công an đã xử lý 3.370 vụ án, trong đó xử lý hình sự 3.462 đối tượng...

Về nghề nghiệp, báo cáo nêu rõ, các đối tượng xâm hại trẻ em có ở đủ các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó hơn 87 đối tượng là cán bộ viên chức, hơn 711 đối tượng là nông dân, hơn 2.100 đối tượng ở các ngành nghề khác, hơn 1.500 đối tượng không có nghề nghiệp và 168 đối tượng là người có tiền án, tiền sự...

Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận trong thời gian qua chủ yếu là hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô và khiêu dâm. Trong đó, cơ quan chức năng xác định có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, giao cấu với trẻ em là hơn 1.500 vụ, dâm ô hơn 550 vụ, hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân, 12 vụ giết, vứt bỏ con mới đẻ,…

Dù những con số này chưa phản ánh đầy đủ tình trạng trẻ em bị xâm hại nhưng chúng vẫn ám ảnh tôi và nhiều người. Có lẽ chúng ta phải tìm cách hành động hiệu quả hơn trong việc phòng chống xâm hại trẻ em.

Phải thay đổi cách nhìn nhận và các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em

Một số người cho rằng, có thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn chưa đủ mạnh mẽ và cụ thể nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo tôi thì không phải thế. Sự chỉ đạo của Đảng và các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực trẻ em đã sâu sát, cụ thể rồi, vấn đề ở chỗ một số cán bộ lãnh đạo nói thì hay nhưng làm chưa tốt. Trong quan sát của tôi, một số cán bộ vẫn cho rằng, không cần quá ráo riết, quá mạnh mẽ trong việc xử lý những đối tượng xâm hại trẻ em. Theo họ thì đấy cũng chỉ là những chuyện sinh hoạt của con người; họ chưa thấy hết tính nghiêm trọng và hậu quả nặng nề của việc trẻ em bị xâm hại.

Một số khác cho rằng, luật pháp của chúng ta chưa nghiêm nên trẻ em vẫn bị xâm hại nhiều. Không phải thế! Bằng chứng là trong Bộ Luật hình sự của ta, tội xâm hại tình dục trẻ em có thể bị xử ở mức cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như các vụ án xâm hại trẻ em thường được các quan tòa tuyên phạt ở mức thấp, không tuyên án kịch khung hình phạt. Điều này cũng chứng tỏ chính các quan tòa cũng nhìn nhận chưa đúng về cái xấu, cái ác trong việc xâm hại trẻ em. Nếu các quan tòa mạnh tay hơn, tính giáo dục và răn đe của các phiên tòa sẽ phát huy hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân khiến phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chưa đạt hiệu quả cao là chúng ta thiếu đội ngũ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, giúp đỡ trẻ em và gia đình trong trường hợp các em bị xâm hại. Như chúng ta biết, thời còn Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em; một hệ thống cộng tác viên trong những lĩnh vực này đã được thiết lập, số lượng lên tới hàng chục ngàn người. Khi Ủy ban bị giải thể, đội ngũ này bị bỏ rơi. Có một số người đã nghĩ tới chuyện khôi phục lại đội ngũ này nhưng việc này không đơn giản, cần thời gian và chính sách thích hợp.

Hiện nay, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, khó kiểm soát nên tình hình trẻ em bị bỏ rơi, bị lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị xâm hại có vẻ tăng lên. Vì vậy chúng ta cần hành động khẩn trương hơn, hiệu quả hơn trong việc bảo vệ các em. Muốn thế, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận, bổ sung thêm các biện pháp thiết thực, đặc biệt cán bộ phải bỏ hẳn thái độ quan liêu, phải làm nhiều hơn nói…

Có một tín hiệu vui là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị hình thành, kết nối, mở rộng mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em. Đây là việc cần làm ngay và phải làm với tình yêu thương con trẻ.