Theo Phòng Giáo dục Đào tạo quận 7, trường tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức họp cha mẹ học sinh (CMHS) ngày 25/9/2022. Trong phiên họp này, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp, trong đó có lớp 1/3 đã triển khai đến cha mẹ học sinh các hoạt động của nhà trường trong năm học mới theo nội dung mà Hiệu trưởng thống nhất trong toàn trường, theo đó không thu bất cứ loại quỹ nào trong năm học 2022 – 2023.
Tại buổi họp, Ban đại diện CMHS lớp 1/3 không đề cập đến vấn đề thu quỹ. Trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban đại diện CMHS lớp, trưởng ban đại diện CMHS lớp 1/3 có tổng hợp ý kiến của phụ huynh trong lớp để lập bản dự thảo và đăng lên group lớp 1/3 (group không có GVCN) để góp ý xây dựng từ CMHS của lớp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo, chưa thông qua nhà trường và chưa tiến hành thực hiện.
Nhận được thông tin, Phòng GD&ĐT yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm qua vụ việc, đồng thời tiến hành họp với Ban đại diện CMHS và toàn thể CMHS lớp 1/3 vào ngày 7/10 để trao đổi thông tin, đề nghị các nội dung có liên quan đến công tác quản lý thu, chi trong năm học 2022 – 2023 đảm bảo đúng quy định; đối với kế hoạch hoạt động của Ban đại diện CMHS lớp phải thực hiện đúng theo các quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDDT và Thông tư 16/2018/TT-BGDDT. Báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD&ĐT ngay sau cuộc họp.
Phòng GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận 7; trong đó, phải nghiêm túc thực hiện đúng theo các hướng dẫn tại công văn số 3649/UBND-TCKH ngày 28/9/2022 của Ủy ban nhân dân quận 7 về việc thu, sử dụng học phí, thu khác và các khoản thu của trường tiên tiến, hội nhập quốc tế năm học 2022 – 2023; tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh học sinh.
Trước đó, phản ánh đến truyền thông một số phụ huynh của lớp 1/3 bức xúc trước bảng dự trù kinh phí hoạt động hội phụ huynh lớp năm học 2022 - 2023 với 27 nội dung chi, trong đó có nhiều khoản "vô lý".
Cụ thể, dự kiến chi 54 triệu đồng để “chăm cô”, theo đó mỗi tháng sẽ chi cho giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu, mỗi người 3 triệu đồng. Tổng cộng 9 tháng là 27 triệu đồng/người, được chi bằng hình thức "chuyển khoản hằng tháng".
Bên cạnh đó, dự chi Ngày Nhà giáo Việt Nam là 19,6 triệu đồng, với hình thức là "phong bì". Trong đó, hoa và quà cho Ban giám hiệu là 1 triệu đồng; Hiệu trưởng 2 triệu đồng; 2 hiệu phó mỗi người 1 triệu đồng; giáo viên chủ nhiệm 3 triệu đồng; bảo mẫu 3 triệu đồng; bảo vệ (4 bác) là 2 triệu đồng; giáo viên bộ môn (5 người) là 5 triệu đồng; chi cho bộ phận tiếng Anh tích hợp (EMG) là 1 triệu đồng; chi mua lẵng hoa là 600.000 đồng.
Mức chi tương tự cho dịp Tết Nguyên đán là 19,6 triệu đồng, cũng bằng hình thức "phong bì". Các dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ, tổng chi 9,2 triệu đồng, mỗi dịp chi 4,6 triệu đồng cho giáo viên chủ nhiệm (2 triệu đồng), bảo mẫu (2 triệu đồng) và mua lẵng hoa (600.000 đồng).
Bảng dự thu này cũng đưa ra mục đầu tư cơ sở vật chất là 7,1 triệu đồng để lắp đặt tủ gối (5,5 triệu đồng), vệ sinh máy lạnh (800.000 đồng), mực in (800.000 đồng)...
Trong lớp có 41 phụ huynh, như vậy tính trung bình mỗi phụ huynh đóng hơn 3,1 triệu đồng.