Lồng ghép với các chương trình có liên quan tại cơ sở
Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những năm qua, trong lĩnh vực phòng chống mại dâm đã đạt nhiều hiệu quả tích cực. Cục chủ động và tích cực thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu trình Bộ Ban hành Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH ngày 05/9/2022 phê duyệt tổng thể kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm theo lộ trình từng năm.
Rà soát, kiện toàn tổ chức và xây dựng quy chế của tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm trung ương; ban hành bộ chỉ số giám sát và quy trình kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm.
Hướng dẫn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá, dự báo nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và khả năng đáp ứng của các dịch vụ hiện có, trên cơ sở đó đề xuất hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm…
Để thực hiện tốt chương trình phòng, chống mại dâm giai đọan 2021-2025 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1629/QÐ-TTg ngày 28/9/2021, các địa phương trên cả nước đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử các địa phương như Phú Yên, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… đã ban hành các kế hoạch trên một cách cụ thể, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức.
Tỉnh Phú Yên: Quyết liệt xử lý các tụ điểm có tệ nạn xã hội
Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đã và đang được tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thực tiễn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 897 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, liên quan đến hoạt động mại dâm. Cơ quan chức năng cũng quản lý chặt chẽ những đối tượng nghi vấn, kịp thời phát hiện các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, truy quét, triệt xóa kịp thời.
Bên cạnh đó, các đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã đã tham mưu cho UBND cùng cấp tiến hành vận động 1.085 cơ sở ký bản cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm, ma túy; phối hợp cùng các ban ngành chức năng kiểm tra 975 lượt cơ sở, trong đó có 65 lượt cơ sở vi phạm về các nội dung có liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma túy.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, với phương châm phòng ngừa là chính, triệt phá ổ nhóm là cần thiết, trong thời gian qua, các địa phương đã tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về phòng, chống mại dâm cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và gắn kết với các cuộc vận động... đã tạo được phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Một số địa bàn trọng điểm về tệ nạn trước đây nay đã giảm và chuyển hóa cơ bản.
Ninh Thuận: Lồng ghép gắn với các chương trình phát triển kinh tế xã hội
Theo kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tỉnh triển khai đồng đồng bộ các biện pháp phòng, chống mại dâm, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác này, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.
Mặt khác, địa phương luôn bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, xử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm, giảm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm.
Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 98% các huyện, thành phố và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng chương trình, nội dung truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức.
Cùng với đó, 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm được xóa bỏ triệt để khi bị phát hiện; đấu tranh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. 100% các vụ án liên quan đến tệ nạn mại dâm được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.
Tỉnh phấn đấu xây dựng và triển khai một mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS hoặc mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm;
Duy trì 50/65 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; hàng năm, 100% xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm (giai đoạn 2021-2025)…
Hà Tĩnh: Tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm
Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; hàng năm, tăng 3-5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần…
Đây là một số nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch số 398/KH-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện cchương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong nhiệm vụ này, Hà Tĩnh sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm.
Đồng thời, tăng cường quản lý về an ninh, trật tự; tổ chức điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức phạm tội liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm từ cơ sở; kịp thời truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng…
Có thể nói, để phòng ngừa và đẩy lùi tệ nạn mại dâm, nhiều địa phương trên cả nước đã phát động phong trào nhóm, hộ tự quản, qua đó phát huy sự tham gia tích cực của nhiều hộ gia đình, vận động đấu tranh, giúp các đối tượng thoát khỏi tệ nạn xã hội. Đồng thời phối hợp các đơn vị, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp tích cực tham gia phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm; đặc biệt là các mô hình quản lý, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, chị em lầm lỡ, hoàn lương có hiệu quả.