Thực trạng trẻ em lao động sớm trên địa bàn
Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 370.031 trẻ em, chiếm 19,77% dân số (nhóm từ 3 đến dưới 6 tuổi có 65.387 em; từ 6 đến 15 tuổi có 256.093 em).
Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 3.594 em, chiếm 0,97% trên tổng số trẻ em; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt: 48.230 em, chiếm 12,58%; trẻ em sống trong hộ nghèo: 14.221 em, chiếm 3,84% và trẻ em hộ cận nghèo là 17.308 em, chiếm 4,68%.
Trẻ em lao động trái quy định của pháp luật vẫn còn, đặc biệt là lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề về thể chất của trẻ em như: tử vong, khuyết tật vĩnh viễn do tai nạn lao động, thể chất kém phát triển…; tâm lý mặc cảm, tự ti, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, trộm cắp, tội phạm… gây ảnh hưởng xấu đến tương lai của các em.
Hiện nay, tại tỉnh Đồng Tháp, các công việc phổ biến trẻ em tham gia lao động bao gồm: lột bong bóng cá, bán vé số, phụ hồ, phụ các quán ăn,... Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em tham gia lao động sớm ở Đồng Tháp là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ về hậu quả của việc trẻ em lao động sớm còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa lao động trẻ em của các ngành chức năng chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra đối với tình hình sử dụng lao động trẻ em chưa được thực hiện thường xuyên.
Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%
Để phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định pháp luật (sau đây gọi là lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; Trên 90% lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Bênh cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tích cực truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật để 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 70% trẻ em (từ 5 tuổi) được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiếu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Mặt khác, Đồng Tháp cũng sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em cho 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 85% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.
Giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em.
Tích cực hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em tại từng địa phương, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật...