Theo đó, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 2%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Bên cạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, tỉnh cũng sẽ tích cực truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tới, phấn đấu 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 80% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Song song với công tác truyền thông, Bình Thuận cũng sẽ tích cực đào tạo, tập huấn về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em. Mục tiêu đặt ra là 95% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 85% cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.
Định hướng đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống dưới 2%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược bao gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Tăng cường vận động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tích cực phối hợp, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong thực hiện các chương trình, dự án về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.