Từ việc phát hiện nhiều vụ việc liên quan các chất ma túy mới hoặc các vụ ngộ độc liên quan chất ma túy, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Hải quan thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật phòng, chống ma túy, trong đó, trọng tâm tuyên truyền tác hại của ma túy, các chất ma túy mới, các sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo, nước hoa quả...), thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu) dễ bị tẩm, chế biến chất ma túy gây độc hại tới sức khỏe con người; cách nhận diện những thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy... kỹ năng phòng tránh ma túy, cảnh giác trước ma túy tẩm trong thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình tuyên truyền bổ ích, hiệu quả tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, học sinh... Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng trái phép các chất ma túy, nhất là các chất mới. Thực hiện phổ biến, quán triệt ngay trong chính đơn vị, địa phương mình...
Các sở, ban, ngành đoàn thể chính trị - xã hội thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy cho cán bộ, nhân viên và quần chúng nhân dân, lồng ghép với hoạt động chuyên môn của đơn vị.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đổi mới hình thức hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy, trọng tâm tuyên truyền cảnh báo tác hại của ma túy và các chất ma túy mới; chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy nhằm xây dựng “Học đường môi trường không ma túy”. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí ngân sách địa phương, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy…