Trẻ em có thể bị xâm hại khi đi thang máy
Nhờ con xuống siêu thị ở tầng 1 chung cư mua ít đồ gia vị, nhưng chỉ chừng chục phút sau, bé Mai (8 tuổi) hớt hải xô cửa chạy vào nhà khiến chị Bình giật mình. Sau mấy giây lấy lại bình tĩnh, Mai vừa khóc vừa kể: “Con sợ quá mẹ ạ. Lúc nãy, khi con bước vào thang máy, có một chú đeo khẩu trang cứ nhìn chằm chằm vào người con. Vì trong thang chỉ có con và chú ấy nên con lùi lại nép vào một góc thang. Thế nhưng, con càng lùi thì chú ấy lại càng tiến lại gần và giơ tay định chạm vào “vùng cấm” của con. May quá, đến tầng 3 thì có một bác gái bước vào, nhân cơ hội này con chạy ra ngoài và bấm thang lên nhà luôn, chưa mua được đồ cho mẹ”. Ôm con vào lòng an ủi, chị Bình không khỏi lo lắng, vì nếu như hôm nay bác gái kia không vào đúng lúc thì có thể con gái chị đã bị đối tượng kia sàm sỡ.
Nhà chị Bình ở tầng 10 một khu chung cư tái định cư đã xây dựng lâu năm nên thang máy và hành lang đều không có camera giám sát an ninh. Từ trước đến giờ, chưa khi nào chị Bình nghĩ tới nguy cơ trẻ em có thể bị sàm sỡ, xâm hại trong thang máy. Qua câu chuyện của con gái chiều nay, chị chợt nhận ra, ngay cả nơi không thể ngờ này vẫn tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị bị xâm hại. Chị Bình đã gọi điện cho ban quản lý đề nghị tăng cường giám sát, quản lý người lạ ra vào chung cư; đồng thời trong cuộc họp cư dân sắp tới, chị sẽ đề nghị ban quản lý vận động người dân cùng đóng góp kinh phí lắp đặt camera trong thang máy, hành lang, các góc khuất để phòng chống kẻ xấu trộm cắp hoặc “yêu râu xanh” làm hại trẻ em. Và cũng ngay từ hôm nay, chị sẽ trang bị cho con những kỹ năng cần thiết phòng, chống bị xâm hại tình dục, đặc biệt là những kỹ năng phòng chống xâm hại trong thang máy.
Một số kỹ năng cần trang bị cho trẻ
Để phòng, chống nguy cơ bị xâm hại trong thang máy, cha mẹ cần dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết như:
Nhận biết kẻ xấu: Khi đứng chờ thang máy, khi thấy có người nhìn chằm chằm vào mặt mình hoặc nhìn vào các “vùng cấm”, hoặc cố tình nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm, tốt nhất trẻ không vào thang máy mà đợi đi chuyến sau.
Làm gì khi đi thang máy một mình: Cha mẹ không nên để trẻ em đi thang máy một mình, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, nếu trường hợp phải đi một mình thì dạy trẻ cố gắng đi thang máy khi có đông người. Trường hợp đang ở trong thang máy một mình, có một người lạ khả nghi vào thang máy, trẻ nên ra khỏi thang và chờ một chuyến khác.
Đứng gần bảng điều khiển: Thông thường, chúng ta thường dạy trẻ khi vào thang máy nên đứng lui về phía sau để người chỗ cho người vào sau, tuy nhiên, nếu vào thang máy cùng người lạ, trẻ hãy đứng gần bảng điều khiển. Trường hợp bị ai đó sàm sỡ, trẻ hãy nhanh tay bấm tầng gần nhất để ra ngoài hoặc bấm chuông báo động để được bảo vệ giúp đỡ.
Quan sát: Cha mẹ dạy trẻ khi bước vào thang máy hãy quan sát xung quanh để biết mình đang đi thang máy cùng ai. Trước sự quan sát, để ý của trẻ, kẻ xấu sẽ đề phòng và có thể từ bỏ ý đồ xâm hại trẻ.
Gọi điện thoại: Khi ở trong thang máy, nhận thấy có kẻ có ý định xấu, nếu có điện thoại thì trẻ hãy gọi điện ngay cho người thân nói to, rõ mình đang ở trong thang máy số mấy, tầng mấy để kẻ xấu nghe được sẽ ngưng ý đồ xâm hại.
Hô to: Nếu có kẻ nào đó cố tình đụng chạm vào người trẻ khi trong thang máy đông người thì hãy hô to lên. Nếu kẻ xấu vẫn làm tới, trẻ hãy dùng đầu gối, cùi chỏ huých vào chỗ hiểm (mặt, mắt, bụng) của họ, thậm chí có thể cắn, cấu để đối tượng buông ra và nhân cơ hội đó trẻ tìm cơ hội thoát ra. Trường hợp trẻ bị khống chế không thể kêu được hoặc kêu mà không ai nghe thấy, thì khi thoát ra khỏi thang, trẻ cần hô to để mọi người bắt giữ kẻ xấu.