Konl bị TNLĐ khi đang đẩy phế liệu vào máy băm lúc 14 tuổi. Ảnh CTV
Nhiều yếu tố khiến thanh thiếu niên dễ bị tổn thương
Tháng 3/2019, trong lúc đi làm thuê, gần thu hoạch xong đợt lúa, Nguyễn Văn Uôl - một bé trai 13 tuổi ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vô tình ngã vào thanh sắt của máy cắt lúa. Thanh sắt với chiều dài khoảng 20cm đã đâm xuyên thấu vừ vùng bụng đến ngực em. Rất may mắn, thanh sắt không chạm đến các bộ phận quan trọng của em như tim, nếu không hậu quả sẽ rất khôn lường.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến TNLĐ đối với trẻ em. Vừa qua, 1 bé gái ở tỉnh Đăk Lăk đang trong lúc thu hoạch tiêu cùng gia đình đã bị máy xay tiêu cuốn tóc vào cối xay, dẫn đến bị lột da đầu.
Còn nhớ, năm 2017, khi đang đẩy phế liệu vào máy băm, thiếu niên 14 tuổi có tên Chau Konl (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bị máy cuốn nát tay, phải cắt bỏ tới nách. Sau tai nạn, cha và mẹ Konl đều phải nghỉ việc để lo cho con trai. Chủ doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 40 triệu đồng rồi bỏ mặc.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có nhiều yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương đối với thanh thiếu niên, chẳng hạn như giai đoạn phát triển thể chất và tâm lí, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu đào tạo, huấn luyện, nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng. Điều đó có thể dẫn đến những người lao động trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm hoặc những công việc có điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, trong nông nghiệp, trẻ em vẫn chưa có hiểu biết về các bước cần thực hiện để giảm bớt rủi ro trước tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật và các mối nguy hại khác. Ở các làng nghề, người sử dụng lao động thường đánh giá thấp nguy cơ phát sinh từ những máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và nhu cầu về thiết bị bảo hộ. Nhiều lao động trẻ tin rằng, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố liên quan đến công việc.
Cần dạy trẻ về ATLĐ ngay từ nhỏ. Ảnh CTV
Cần dạy trẻ ý thức phòng ngừa TNLĐ ngay từ nhỏ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi còn là Bộ trưởng Bộ LĐTBXH vẫn thường hay nhắc tới câu chuyện về một người cha ở đồng bằng Sông Cửu Long. Trong căn nhà hoang sơ, nhưng để tấm biển với dòng chữ viết nguệch ngoạc rất to ngay bên phích cắm điện: “Nguy hiểm, đừng sờ. Ba cảm ơn các con!” như một lời nhắc nhở về sự an toàn trong sử dụng điện gia đình.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ về một câu chuyện khác liên quan tới việc dạy trẻ ý thức phòng ngừa nguy cơ tai nạn. Một đứa bé nọ mải chơi, không cẩn thận, ngã xuống sông. Cha mẹ ở gần, nhìn thấy, vội nhảy xuống vớt lên và nói: “Có bố mẹ đây, đừng sợ!”
Mấy hôm sau, đứa bé lại ngã xuống sông, cha mẹ nó lại vớt nó lên. Bà con láng giềng khuyên cha mẹ nó hãy dạy bơi cho nó, song cha đứa bé nói: “Khỏi cần, tôi biết bơi là đủ, nó ngã xuống sông, tôi sẽ cứu nó”.
Ai ngờ đứa bé lại ngã xuống sông lần thứ ba. Lần này không có cha mẹ nó ở bên cạnh, trên bờ sông cũng không có một ai, đứa bé kêu được vài tiếng thì chìm nghỉm.
Rõ ràng, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ trong từng gia đình là trách nhiệm của mỗi người lớn, người cha trong câu chuyện đã không lường trước được các tình huống nguy hiểm sẽ xảy ra nên không chú trọng đào tạo con mình. Bài học ở đây là cần dạy trẻ ý thức phòng ngừa TNLĐ ngay từ nhỏ. Cần chủ động đào tạo, huấn luyện cho trẻ về sự an toàn từ những hành động nhỏ như: Nói cho trẻ biết những tai nạn có thể xảy ra để trẻ tránh xa nơi nguy hiểm; Hướng dẫn các em cách sử dụng những dụng cụ lao động và nhắc nhở các em phải cẩn thận, không được vừa làm vừa chơi hay sử dụng các đồ vật ấy để làm vũ khí đùa nghịch, đánh nhau… Trong khi người lớn đang lao động (sửa điện, hàn, làm hố ga, làm đường…) tuyệt đối không để cho trẻ nhỏ chơi ở gần.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, phụ huynh cần tập trung hơn đến những hoạt động của con em mình, tránh để trẻ làm những công việc không phù hợp. Ngoài ra, người dân cần chú ý an toàn trong lao động, không để trẻ chơi ở các khu vực sản xuất, tránh tình trạng bị tai nạn nặng, để lại di chứng lâu dài, nhất là vào thời điểm thu hoạch vụ mùa ở nông thôn, miền núi.
Bà Miranda Kwong, quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam chia sẻ, mọi trẻ em có quyền tránh khỏi lao động trẻ em dưới mọi hình thức và tất cả người lao động có quyền làm việc trong môi trường an toàn và khỏe mạnh. Chấm dứt lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại, cải thiện an toàn và sức khỏe cho người lao động trẻ là cách để xây dựng một thế hệ người lao động tương lai làm việc có năng suất, có thu nhập tốt và có khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, việc lồng ghép nội dung ATLĐ vào học đường cũng cần được triển khai sâu rộng cho thanh thiếu niên. Có thể thông tin những nội dung chủ yếu về ATVSLĐ đến nhà giáo, học sinh, sinh viên thông qua các lớp đào tạo chính khóa, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho mọi người.
Theo Phó Cục trưởng Cục ATLĐ Nguyễn Anh Thơ, thời gian qua, việc lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào học đường đã được tiến hành tại Việt Nam. Để triển khai chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã dành một khoản ngân sách tập trung phát triển các chương trình đào tạo về ATVSLĐ trong các nhà trường, trước tiên áp dụng trong các trường dạy nghề, đại học, cao đẳng và đã được thẩm định. Hiện nay, có mười bộ giáo trình dành cho các khối ngành xây dựng, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế, bách khoa và các khối ngành liên quan đến các ngành điện - điện tử, y tế…
Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên
1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ LĐTBXH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
2. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần.
Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
3. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ LĐTBXH.
4. Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác.
5. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hóa.
Trí Đức/TC GĐ&TE