Nụ hôn và hệ lụy đối với sức khỏe con trẻ
Chị Thu Minh (Hà Nội) kể, con gái chị mới chào đời được 13 ngày thì có biểu hiện sốt phải nhập viện điều trị, cách ly. Chị không thể ngờ là con đã nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) mà nguyên nhân là lây từ người lớn, anh chị em trong nhà bị ho, sổ mũi... thường xuyên gần và hôn vào miệng bé. Sau 10 ngày nằm viện điều trị, cuối cùng sức khỏe của bé cũng đã ổn định và được xuất viện. Song những ngày cùng con chiến đấu với virus RSV đến giờ vẫn khiến chị không thể nào quên bởi sự lơ là, bất cẩn chỉ vì nụ hôn của những người thân yêu.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, trẻ em tuy có một số kháng thể tự nhiên để bảo vệ cơ thể những năm tháng đầu đời nhưng hệ miễn dịch vẫn còn yếu, trong khi bản thân người lớn lại có nhiều mầm bệnh. Ðặc biệt là vùng họng của người lớn chứa rất nhiều vi khuẩn. Việc thể hiện tình cảm với trẻ qua những nụ hôn có thể vô tình làm lây lan nhiều vi khuẩn, virus nguy hiểm, trong đó có bệnh viêm màng não.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ rõ các loại vi khuẩn và virus có thể lây cho trẻ qua việc hôn, dẫn đến các bệnh lý lây qua đường hô hấp như: vi khuẩn lao, não mô cầu, cúm, sởi, RSV, quai bị… Thông thường, những bệnh lý hô hấp này lây qua giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Xét về lý thuyết, khi hôn cũng có thể lây lan bệnh. Ngoài ra, một số bệnh lây truyền qua nước bọt khác như: tay chân miệng, bại liệt, tiêu chảy, viêm gan A… Vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H. Pylory có thể lây qua nước bọt, nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan.
Một nụ hôn có thể khiến trẻ mắc các bệnh sau:
Mụn rộp: Một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đến từ việc hôn trẻ sơ sinh là lây virus HSV-1, khiến cho các mụn nước nổi lên xung quanh miệng trẻ và có thể lây lan sang những vùng khác trên cơ thể, thậm chí là não. Mụn rộp rất phổ biến, khi người lớn bị mắc vô tình hôn trẻ sơ sinh, khả năng lây nhiễm cho trẻ là rất cao. Có thể mất 24-48 giờ để vết phồng rộp nổi lên, nhưng đôi khi, trẻ cũng không có triệu chứng trong tối đa 12 ngày.
Nhiễm virus RSV: Virus này có thể lây truyền qua tiếp xúc cơ thể hoặc các giọt hô hấp bị nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi. RSV có thể gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng tim và não. Thông thường, RSV chỉ biểu hiện các triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ. Tuy nhiên, trẻ cũng dễ gặp phải các triệu chứng khác bao gồm sổ mũi, sốt, ho, thở khò khè, ngưng thở, lỗ mũi phập phồng, chán ăn, khó chịu. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5-7 ngày.
Viêm đường hô hấp: Vi khuẩn có trong khoang miệng người lớn sẽ xâm nhập vào trẻ khi hôn vào mặt, miệng của trẻ và đó là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm đường hô hấp.
Viêm màng não: Viêm màng não do virus Herpes gây ra thông qua niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng của trẻ. Dần dần, chúng di chuyển lên não gây viêm não, ảnh hưởng đến não bộ và có thể gây tử vong. Viêm não cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh đẻ. Virus này có thể lây nhiễm qua môi và vùng quanh miệng. Vì thế, không nên thơm trẻ sơ sinh hay không được hôn dù bất kỳ trường hợp nào.
Viêm tuyến nước bọt: Hai bên vùng má của trẻ có ống tuyến nước bọt để tiết ra bọt. Trẻ sơ sinh còn nhỏ nên tuyến nước bọt vẫn chưa phát triển và tính năng đàn hồi của ống tuyến còn yếu. Chính vì vậy, khi bẹo hay hôn lên má trẻ sơ sinh quá mạnh hoặc nhiều lần sẽ khiến cho tuyến nước bọt bị kích thích, làm hạn chế sự phát triển của ống tuyến nước bọt. Ðiều này khiến trẻ bị nhiễm vi khuẩn trong khoang miệng dẫn đến tình trạng bé bị biếng ăn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí tuệ.
Tiêu chảy: Mặc dù đây là bệnh truyền nhiễm đường ruột, nhưng các vi khuẩn như E. coli hay Helicobacter pylori gây bệnh cũng bắt nguồn từ miệng vào ruột. Vì vậy, nếu người mẹ bụng dạ không được tốt thì cũng nên tránh hôn em bé và không nên nếm thức ăn của con. Những hành động này có thể làm tăng nguy cơ em bé bị bệnh tiêu chảy.
Giảm thị lực: Nhiều bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân dẫn đến việc giảm thính lực ở con là do việc hôn vào tai bé quá mạnh và quá nhiều lần. Ðiều này vô cùng nguy hiểm, vì nó sẽ tạo ra các rung động mạnh tác động đến màng nhĩ của trẻ, gây chấn thương tai, làm giảm khả năng nghe.
Những lưu ý từ các chuyên gia
Các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo nên ngừng ngay việc hôn vào miệng, vào má trẻ, bởi trẻ nhỏ (nhất là trẻ sơ sinh) có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và chưa được tiêm đủ các mũi vaccine giúp phòng tránh bệnh tật nên rất dễ bị lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường xung quanh, từ người chăm sóc hoặc từ trẻ nhỏ khác. Miệng của chúng ta dù có vệ sinh sạch sẽ nhưng vẫn luôn ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, nếu hôn môi trực tiếp trẻ sơ sinh thì mức độ nguy hiểm càng cao.
Lưu ý: Trong những tháng đầu tiên của trẻ sơ sinh, người lớn chỉ có thể hôn lên tay bé để thể hiện tình cảm yêu quý. Bất cứ người nào bị ốm cũng cần tránh xa trẻ. Nếu ai đó muốn ôm hoặc chạm vào trẻ thì cần phải rửa tay sạch sẽ, khử khuẩn trước khi bế ẵm trẻ. Ngoài ra, trong những tháng đầu, tránh đưa trẻ đến nơi đông người và không để quá nhiều khách vào nhà.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm gan, bệnh về hô hấp, kiết lị, bệnh lao phổi hay răng miệng cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc với trẻ sơ sinh đặc biệt là khoảng từ 1-2 tháng chào đời, vì đây là khoảng thời gian cơ thể trẻ rất nhạy cảm, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Trong trường hợp sau khi được người lớn hôn, trẻ có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.