Biến chứng do viêm da cơ địa
Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhi 4 tháng tuổi (ở Sơn La) bị viêm da cơ địa, viêm da dầu nặng sau điều trị nhiều nơi, chăm sóc không đúng cách và tắm nhiều loại lá. Mẹ bệnh nhi cho biết, bé khởi phát bệnh từ 1 tháng tuổi, biểu hiện xuất hiện các nốt đỏ, sẩn, mụn nước ở 2 má, thân mình. Bệnh nhi đã từng đi khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chẩn đoán viêm da cơ địa dùng thuốc bôi, dưỡng ẩm, tổn thương đỡ.
Tuy nhiên, sau khi ra viện, bệnh nhi không được duy trì dưỡng ẩm thường xuyên, gia đình cũng cho tắm lá nhiều loại khiến da cháu tổn thương nặng hơn, dát đỏ, khô da nhiều, lan rộng tay chân thân mình kèm mảng vảy dày, vảy tiết, nứt da vùng đầu. Sau khi điều trị 4 ngày tại Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các tổn thương khô, không chảy dịch, để lại dát thâm, các mảng vảy dày vùng da đầu đã bong.
Trước đó, một bệnh nhi 5 tháng tuổi (ở Hà Nội), cũng nhập viện Da liễu Trung ương trong tình trạng sốt, bội nhiễm toàn thân do gia đình tắm nước lá để điều trị các nốt chàm xuất hiện trên má.
Là người trực tiếp điều trị cho các bé bị mắc viêm da cơ địa, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, một số bà mẹ vẫn quan niệm có thể bôi hoặc tắm các loại lá bệnh sẽ khỏi. Thậm chí cứ nghĩ sữa mẹ có thể chữa rất nhiều bệnh, vì thế khi con có những tổn thương trên da như chốc, nhọt, viêm da cơ địa thường lấy sữa mẹ để bôi lên da với hy vọng là con sẽ mau khỏi. Họ không hề biết đấy là phương pháp sai lầm, bệnh không những không thể khỏi mà còn làm cho bệnh nặng hơn.
“Tình trạng trẻ bị da đỏ toàn thân là biến chứng nặng nhất trong chuyên ngành da liễu, vì khi đó những trao đổi chất qua da tăng lên cực mạnh, khiến cơ thể bị mất năng lượng nhiều, mất protein, mất nước toàn cơ thể, bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải hoặc có thể nguy hiểm tính mạng của trẻ nếu không điều trị, chăm sóc kịp thời”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Biểu hiện viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa ở trẻ em hay còn gọi là bệnh chàm là một bệnh viêm da mãn tính có xu hướng tái phát thường xuyên. Bệnh có xu hướng khởi phát sớm, có tới 60% trường hợp viêm da cơ địa khởi phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trẻ khởi phát bệnh trong 5 năm đầu tiên và chỉ 10% trẻ khởi phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường, hơn 90% trường hợp trẻ sẽ ổn định sau 2 tuổi, chỉ 5% số trẻ bị bệnh chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn, có không ít trường hợp bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trưởng thành. Tùy vào từng giai đoạn, trẻ sẽ có những biểu hiện của viêm da cơ địa khác nhau. Bất kỳ vùng nào trên cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi viêm da cơ địa. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường hay gặp nhất ở vùng đầu, mặt, cổ, khủy tay.
Viêm da cơ địa thường có các giai đoạn
Giai đoạn cấp tính: Tổn thương thường thấy là mụn nước bị dập vỡ trên nền da dát đỏ, có rỉ dịch và đóng thành vảy tiết, những tổn thương này thường hay gặp ở trán, má và cằm của trẻ. Trong trường hợp nặng hơn có thể nổi trên thân mình và các chi.
Giai đoạn bán cấp: Các triệu chứng sẽ nhẹ hơn, các dát sần tập trung trên nền da đỏ thành từng mảng hoặc nằm rải rác, rỉ và ứ dịch nhiều, có phù nề kèm theo ngứa. Giai đoạn mãn tính: Lúc này da trẻ thường dày và khô, các vết nứt ở da gây đau, những nếp gấp lớn như lòng bàn tay, bàn chân, cổ tay, cổ chân…
Trẻ mắc viêm da cơ địa thường kèm theo những tình trạng khác nhau như hen suyễn và dị ứng, bệnh vảy cả, lo lắng và mất ngủ. Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội khiến cho trẻ khó chịu và thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, điều này làm da càng thêm tổn thương và bị nhiễm trùng.
Đáng chú ý, bên cạnh tổn thương về da, đa phần trẻ mắc viêm da cơ địa thường đi kèm với các bệnh lý dị ứng cơ địa khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn…
Chăm sóc da cho trẻ đúng cách
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh,thời tiết hanh khô với độ ẩm thấp như hiện nay là yếu tố gây bất lợi cho làn da của trẻ. Hanh khô làm cho da bị mất nước và xuất hiện những vết nứt trên da, tạo điều kiện cho các vi sinh vật ngoài môi trường dễ xâm nhập vào da, dẫn tới các phản ứng viêm.
Do dó, việc sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ rất cần thiết để hạn chế bệnh. Khi tắm cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý nhiệt độ nước duy trì ở mức 35 - 370 C, không nên ngâm quá 15 phút dễ làm mất hàng rào bảo vệ cho da, gây ngứa ngáy. Nên chọn sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có thêm yếu tố dưỡng ẩm. Sau khi tắm khoảng 2-3 phút, cần thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ và lặp lại việc bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng da khô gây ngứa và viêm da. Tuyệt đối không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc vì đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật... Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.
Khi bị mắc viêm da cơ địa, cha mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây tổn thương da, bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), virus (HSV), nấm… làm bệnh viêm da cơ địa trầm trọng hơn, khó điều trị cũng như tiên lượng.