Nét đẹp truyền thống độc đáo của người Pu Péo
Người Pu Péo chủ yếu sống ở vùng cực Bắc tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn, Yên Minh hay một số ít ở huyện Bắc Mê với dân số còn lại chưa tới 1.000 người. Ngoài "Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo" đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, có thể kể tới tục "cướp giọng gà ngày Tết" được người Pu Péo duy trì như một nét đẹp truyền thống vô cùng độc đáo.
Vào lúc Giao thừa, người Pu Péo có tục "đón giọng gà" hay "cướp giọng gà" để cầu mong may mắn cho năm mới. Khi đến thời khắc Giao thừa, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống. Khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Người Pu Péo quan niệm: tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc.
Không chỉ có tục "cướp giọng gà", người Pu Péo còn có nhiều phong tục độc đáo khác. Vào dịp Tết, cũng như các dân tộc khác trên cả nước, người Pu Péo gói bánh chưng, nhưng điều khác biệt ở đây là họ sẽ gói hai loại bánh chưng. Bánh chưng đen (mí uột lặng) dùng để ăn vào tối 29 Tết như một cách kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới.
Vào sáng mùng một Tết, thanh niên nam nữ Pu Péo đều cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may. Trước khi đi họ mang theo tiền vàng, hương và đến nơi thì đốt hương cầu khấn rồi bỏ giấy vàng vào thùng gánh nước đem về nhà. Tục này với ý nghĩa mang lại mưa thuận gió hòa, có đủ nước để cấy cầy trồng trọt.
Điều đặc biệt, trong suốt 3 ngày Tết, người Pu Péo không rửa bát đũa, mà chỉ dùng giấy lau sạch sau mỗi lần sử dụng với quan niệm nếu ngày Tết mà rửa sạch bát đũa thì cả năm sẽ đói ăn. Đồng thời, người Pu Péo cũng mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, không có mưa quá to sẽ trôi hết đất màu.
Tục đón năm mới của đồng bào Khơ Mú
Theo quan niệm của người Khơ Mú, tục lấy nước vào buổi sáng đầu năm mới thể hiện cách ứng xử của người dân với môi trường thiên nhiên và các quan niệm về vai trò của nước trong cuộc sống.
Khác với tục lấy nước của một số dân tộc khác, người lấy nước cho mỗi gia đình không phải là chủ các gia đình, mà là những cô gái khỏe mạnh, con cháu của các gia đình.
Theo quan niệm của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn, người phụ nữ trong gia đình là người giữ vai trò quan trọng hơn cả, là người hết mực thương yêu, chăm sóc cho gia đình, luôn cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người phụ nữ lại là người lo liệu và phụ trách việc bếp núc, cấy cầy và gieo trồng, do vậy nước gắn chặt với công việc hàng ngày của người phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ là người sẽ đi lấy nước mới trong ngày đầu năm cho toàn thể gia đình để mong nhận được nhiều may mắn trong năm mới.
Ông Vì Văn Thanh, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn chia sẻ: "Theo phong tục của người Khơ Mú từ ngày xưa chúng tôi, làm ăn phải dựa vào nước cho nên vào ngày Tết Nguyên đán hàng năm mọi người trong bản đều đi múc nước mới, như vậy mới có sức khỏe và làm ăn phát đạt".
Vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các thiếu nữ Khơ Mú đến nơi chuẩn bị dụng cụ đựng nước để đi lấy nước đầu năm. Để có được nguồn nước trong lành, sạch sẽ, các cô gái phải vượt quãng đường xa, lên tận khe nước đầu nguồn, chắt chiu từng giọt nước tinh khiết nhất từ trên cao chảy xuống.
Người Khơ Mú quan niệm, đầu năm lấy được nguồn nước càng trong lành, sạch sẽ thì năm đó gia đình khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn.