Tác nghiệp ở vùng khó
May mắn được về công tác tại Báo Lao động và Xã hội, tờ báo đã cho tôi nhiều cơ hội được tiếp xúc, gắn bó với số đông bà con đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao ở miền tây Thanh Hóa. Có lẽ cũng do xuất xứ không phải gốc “ở dưới xuôi” nên những chuyến ngược núi, băng rừng về với bà con dân bản với tôi như được trở về nhà, thân thuộc và ấm áp nghĩa tình. Lên với bản làng để được đắm mình trong vẻ đẹp của sự hoang sơ hùng vĩ, hiểu hơn những khó nhọc của người dân nghèo hay nghe những câu chuyện cổ tích, huyền thoại già làng, trưởng bản kể bên bếp lửa bập bùng không bao giờ tắt…
Tác nghiệp ở bản Chiềng Cà 2, xã xã Thanh Quân (Thanh Hóa) nơi 7 nạn nhân thiệt
mạng trong vụ sạt lở đất ở núi Khe Tằn, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An)
Từ Trung tâm TP Thanh Hóa ngược lên các huyện, các xã phía tây xứ Thanh nơi xa nhất cũng ngót gần 300 km. Đối với phóng viên trẻ mới vào nghề việc đi tác nghiệp là một thử thách bởi địa bàn Thanh Hóa rộng, điều kiện đi lại khó khăn. Các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân cư lại sinh sống không tập trung. Ngoài ra việc am hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ đồng bào các dân tộc cũng là một thử thách lớn bởi hầu hết đồng bào nơi đây trình độ văn hóa thấp, đa dạng về phong tục tập quán, việc tiếp cận các thông tin kinh tế - xã hội còn hạn chế. Những năm trước đây, các huyện miền tây xứ Thanh giao thông đi lại thực sự khó. Mặc dù địa phương đã tập trung đầu tư để phát triển giao thông, tuy nhiên vào mùa mưa vẫn còn không ít nơi bị biệt lập, phải đi bộ.
Về trung tâm huyện đã đành, còn muốn về xã, vào bản hiểu được cuộc sống, những đổi thay của người dân nghèo nơi đây là một hành trình gian nan kéo dài cả tuần trời. Việc đi lại ở vùng miền núi cũng dễ gặp chuyện bất trắc, những cung đường nguy hiểm mà một bên là vách đá cheo leo lưng chừng núi, một bên bờ vực sâu thăm thẳm không nào kể xiết hay những bản làng nằm sâu trong giữa đại ngàn mà đường đi hàng chục km không có một bóng nhà.
Hành trang trong những chuyến vượt núi, băng rừng vào bản dài ngày ấy mà bất kỳ phóng viên nào khi tác nghiệp đều phải chuẩn bị kỹ càng là chiếc xe máy được “tăng bo” đầy đủ, là máy ảnh, máy ghi âm, máy tính... bởi nếu có muốn, dù có xe to cũng chẳng thể vào bản được. Mùa nắng còn đỡ, chứ vào mùa mưa lũ hay gặp cơn mưa rừng bất chợt thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là cả một cực hình. Hành trình khó khăn vượt qua những đoạn dốc dựng đứng, hẹp hay đường trơn mà ngay cả người dân bản địa dẫn dường cũng phải lắc đầu ái ngại, chuyện phóng viên đi tác nghiệp vùng núi phải “cắm bản” ở lại nhà dân là bình thường.
Với những phóng viên nam tác nghiệp miền núi đã đành, phóng viên nữ tác nghiệp miền núi thực sự còn còn vất vả hơn nhiều…
Phong phú về đề tài
Người dân miền núi vốn hiền lành, chân thật, mến khách, càng đi, càng gần gũi với đồng bào các dân tộc nơi đây làm tôi càng thấm thía và tôn trọng hơn nghề mà tôi đã chọn và đang theo đuổi. Trong những chuyến đi “cùng ăn, cùng ở” làm tôi càng hiểu hơn về cuộc sống về nỗi vất vả của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng nơi phên dậu Tổ quốc mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Bữa ăn trưa giữ rừng - Tác giả (phải) cùng đồng nghiệp tác nghiệp
trong một vụ lâm tặc phá rừng ở miền tây xứ Thanh
Trong câu chuyện kể với đồng nghiệp của mình, anh bạn tôi không khỏi hào hứng chia sẻ: “Khi nào cuộc sống bon chen nơi đô thị làm chú ngột ngạt, cứ tìm về miền núi, nơi biên cương của Tổ quốc. Cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc, khi đã hiểu được những khó khăn, vất vả của cuộc sống người dân nơi đây có cả hàng nghìn đề tài để chú khai thác, tìm kiếm. Nó gần lắm, gần như chính hơi thở cuộc sống của người dân bản bản địa sáng sớm tinh mơ đi nương, chiều tối trở về. Là cái lạnh đến cắt da thịt có thể kéo ngã cả những con trâu to khỏe nhất bản; cái lạnh nó thấm vào tấm thân những đứa trẻ đói ăn vào mùa giáp hạt, thiếu mặc ấm vào mùa đông rét mướt phía “Cổng trời”; là cái nóng oi bức đến ngột ngạt như thiêu đốt của gió Lào gay gắt; những đứa trẻ vượt núi sông, băng rừng tìm con chữ, những thầy, cô cả cuộc đời gắn bó với vùng cao, cắm bản gieo chữ cho bao thế hệ học trò nuôi ước mộng thoát nghèo; là cuộc sống của những người vợ, người mẹ “lấy chồng từ thủa mười ba” hay những câu chuyện kể về đêm của già làng không bao giờ hết bên ngọn lửa hồng… nơi ấy, bên li rượu với tấm chân tình của người dân bản địa luôn ấm nồng tình cảm. Mà kể làm sao cho hết được vì mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời, số phận…là một đề tài, là một nốt nhạc trong bản trường ca bất tận, da diết như tiếng kêu của chim Từ quy vẫn cứ thắc thỏm khắc hoài hằng đêm những tiếng gọi bạn tình hòa vào nhau tạo thành tiếng vọng của núi …”.
Dấu ấn từ mỗi chuyến đi
Tác nghiệp trong mưa bão, tác nghiệp giữa bùn lầy sạt lở đất hay những trận lũ quét, lũ ống tràn qua bản làng… đó là một vài trong số rất nhiều thử thách mà phóng viên miền núi phải vượt qua để đến với cơ sở và địa bàn tác nghiệp. Với tôi mỗi một câu chuyện, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên...
Cùng đồng nghiệp tác nghiệp ở vùng rốn lũ huyện miền núi Thạch Thành
Giữa tháng 9/2016, các huyện miền tây Thanh Hóa giáp với Nghệ An mưa lớn. Những cơn mưa rừng như đổ nước kéo dài suốt nhiều ngày liền đã làm nhiều bản làng nơi đây bị cô lập bởi nước lũ. Bản Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cũng bị cô lập bởi nước suối lên nhanh. Hơn 1 giờ chiều ngày 14/9/2016, cái tin một nhóm gồm 13 người dân của thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân vào rừng tại khu vực núi Khe Tằn, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) dựng lán lấy măng, vào rạng sáng 14/9, sau nhiều ngày mưa lớn, sạt lở đất đã khiến 7 người chết và mất tích đã thôi thúc chúng tôi ngược núi lên bản.
Sau khi hội ý nhanh cùng hai người đồng nghiệp báo bạn, mấy anh em chúng tôi cũng chỉ tranh thủ chuẩn bị những đồ dùng cần thiết nhất rồi lập tức lên đường. Phải mất trọn 3 giờ đồng hồ vượt gần 100km, anh em chúng tôi mới về đến trung trung tâm xã Thanh Quân. Đến xã rồi cũng chẳng thể vào bản được bởi hai con đường vào bản đều bị nước suối chia cắt. Nhập nhoạng tối, khi nước rút cũng là lúc anh em chúng tôi vào tới bản…
Là những phóng viên đầu tiên đến địa bàn xã, nỗi ám ảnh có lẽ theo tôi đi suốt cả hành trình dài là hình ảnh cả bản Chiềng Cà 2 nhốn nháo bởi những tiếng bước chân, tiếng khóc ai oán, nỉ non cho những người xấu số, từng tốp thanh niên trai tráng trong bản lật từng khúc gỗ dưới suối lên gò, đẽo quan tài chờ đón người chết trở về…
Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng vì khu vực hiện trường xảy ra sạt lở cách xa trung tâm xã về phía huyện Quỳ Châu (Nghệ An) gần 10km đường rừng hiểm trở. Mưa lớn, dòng sông Hiếu nước lên nhanh đã làm con đường về xã Châu Hội cũng bị chia cắt, việc tiếp cận thông tin từ phía Nghệ An cũng không thể thực hiện được. Để đảm bảo an toàn bởi khu vực sạt lở vẫn có nguy cơ sạt lở rất cao nên đoàn cứu hộ, lãnh đạo địa phương nhất quyết không cho anh em phóng viên theo đoàn vào hiện trường tác nghiệp mà phải ở bản chờ đón thi thể nạn nhân đưa về…
Đêm ấy không điện cả bản Chiềng Cà 2 như chìm vào màn đêm u tối tĩnh mịch. Sau khi đón hai thi thể trong tổng số 7 người chết và mất tích trở về cũng như việc nắm thông tin, tiếp xúc, thăm hỏi những người sống sót, công tác của các đoàn cứu hộ, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn những người còn lại đã cơ bản đầy đủ thì đồng hồ điểm sang ngày mới. Vì mưa gió kéo dài, điện mất trên diện rộng, mọi thông tin liên lạc từ bản ra bên ngoài dường như cô lập, thế nên cái ý định “xin ngủ nhờ” lại bản của mấy anh em phóng viên cũng dập tắt. Để thông tin kịp thời nhất những khó khăn, mất mát, đau thương của người dân tới bạn đọc, mấy anh em chẳng còn cách nào khác là quay về thị trấn huyện ngay trong đêm để hoàn thành bài viết. Phải đến khi trời gần sáng khi bài viết đã hoàn thành cũng là lúc mấy anh em mới được tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi…
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng bằng nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề, mỗi chuyến đi tác nghiệp cơ sở là những dấu ấn, kỷ niệm, là những tình cảm thấm đẫm tình người. Và chính những tình cảm ấy là nguồn động lực quan trọng, thúc đẩy bước chân những người phóng viên miền núi thêm yêu nghề, nỗ lực mỗi ngày để đến nhiều hơn các bản, làng cách trở, xa xôi.