Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các trường trung cấp nghề hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa cấp THPT. Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên, nhiều đại diện trường phổ thông ở Hà Nội lo ngại không thể hoàn thành mục tiêu này.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức chiều 28/3, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), khẳng định nhà trường đang vất vả trong việc hướng nghiệp cho học sinh bởi hai yếu tố: từ phụ huynh và từ tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường.
"Trong những ngày học sinh chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đại học, chúng tôi được lắng nghe nhiều ý kiến. Không ít em chia sẻ với tôi chuyện bố mẹ yêu cầu con phải thi cái này, làm nghề kia trong khi con không thích. Các em nhờ tôi tác động nhưng điều đó thực sự khó khăn", cô Nhiếp nói.
Hiệu trưởng Nhiếp thông tin trong ba năm, ít nhất cô đã ba lần trao đổi, chia sẻ trực tiếp với phụ huynh học sinh về vấn đề định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, các buổi trao đổi này không đem lại nhiều hiệu quả. Tâm lý của phụ huynh Việt Nam cũng như một số nước Á châu là "sính ngoại, thích oai". Vì vậy, dù cô cùng nhà trường tư vấn rất nhiều, phụ huynh vẫn muốn cho con học những ngành nghề "nghe oai, sang và có thể làm rạng danh cho bố mẹ".
Cô Nhiếp đề nghị việc tuyên truyền, truyền thông về hướng nghiệp, phân luồng cần sâu rộng hơn chứ không chỉ "hớt ngọn" như hiện nay, đặc biệt là hướng tới phụ huynh.
Học sinh THCS thực hành làm tranh nghệ thuật trong phòng thực hành STEM của trường. Ảnh: Giang Huy
Về tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, cô Nhiếp cho rằng cách dạy và học hiện nay chưa chú trọng đến việc tạo ra cho học sinh nội lực để thích học nghề. Thực tế, phần lớn học sinh chọn học nghề là những em có học lực yếu, kém. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng lao động.
"Cách tổ chức hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá cần thay đổi, làm sao để học sinh biết yêu thích một nghề nào đó và thực sự có nhu cầu học nghề. Chỉ khi đó, những học sinh giỏi mới mạnh dạn học nghề. Và khi các em đó theo nghề nghiêm túc, rất có thể sẽ phát minh được nhiều cái hay", cô Nhiếp nói.
Để đổi mới tổ chức hoạt động dạy học, hiệu trưởng trường Yên Hòa khẳng định nhà trường rất cần cơ sở vật chất, điều kiện thực hành thí nghiệm và các khu trải nghiệm. Chẳng hạn với trường Yên Hòa, việc cho học sinh đi học trải nghiệm tốn khá nhiều kinh phí do nhà trường không có khu vực này. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, trường phải tìm hiểu xem có thể tận dụng khu nào ở địa phương để học sinh thực hành được và không phải dễ dàng.
"Chỉ khi các em được làm việc thực tế mới tự khám phá ra mình có khả năng gì, yêu thích nghề gì, từ đó mới đam mê", cô Nhiếp nhận định.
Thầy Phạm Văn Ngát, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Liệt (Thanh Trì), cũng cho rằng việc phấn đấu làm sao để đến năm 2020 có 30% học sinh hoàn thành chương trình THCS vào học trường nghề là rất khó khăn bởi tâm lý cha mẹ học sinh.
"Đa số phụ huynh vẫn kỳ vọng vào con rất nhiều, mong muốn bằng mọi giá con phải học để thi vào THPT, mở rộng cơ hội học lên đại học. Thực tế, nhiều học sinh năng lực học tập chưa cao hoặc không muốn thi vào trường THPT, nhưng bị bố mẹ ép. Hầu như không ai muốn cho con học nghề", thầy Ngát nói.
Ngoài vấn đề nhận thức của phụ huynh và sự tuyên truyền của các cấp, ngành về phân luồng, hướng nghiệp, thầy Ngát kiến nghị phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ những học sinh theo học trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS, như: miễn giảm học phí, tạo điều kiện để các em có hai bằng gồm bằng nghề và bằng tốt nghiệp hay giấy chứng nhận hoàn thàn chương trình THPT để các em có thể ra làm việc được ngay hoặc học liên thông lên bậc cao hơn.
Hiệu trưởng này cũng đề nghị tăng cường cơ sở vật chất đối với các trường THCS, THPT để phục vụ việc tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh nhằm giúp các em yêu thích học nghề, từ đó tự nguyện đăng ký.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội, cho rằng UBND thành phố nên đưa ra một nghị quyết để tất cả cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn có trách nghiệm giúp học sinh phổ thông ở Hà Nội được trải nghiệm những ngành nghề mà các em mong muốn.
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định thành phố quyết tâm hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Qua các kiến nghị của cử tri, ông đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trường xây dựng nội dung chương trình ngành nghề cụ thể, đồng thời định hướng tuyển sinh phù hợp với tình hình phát triển chung của thành phố. Đối với Sở Giáo dục, lãnh đạo thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch định hướng, phần luồng đặc thù của Hà Nội.
Phó chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, giữa nhà trường và doanh nghiệp, đồng thời cần tăng cương tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp.
Theo Dương Tâm/Vnexpress.net