Các đại biểu từ khối Lãnh sự quán, Trường học, UBND TP tại sự kiện.
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với sự ra đời của các thỏa thuận hợp tác Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community), nhiều trường đại học công lập và tư thục tại Việt Nam đang khuyến khích phụ nữ lựa chọn những chương trình đào tạo có thể giúp họ chuẩn bị sẵn sàng để làm việc trong lĩnh vực STEM.
Tại hội nghị, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật hóa – Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết tỉ lệ sinh viên nữ chọn các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu, khoa học công nghệ còn thấp. Không chỉ trong thời gian học đại học mà cả sau đại học thì tỉ lệ nữ giới tham gia vào lĩnh vực này vẫn thấp hơn so với nam.
Cũng theo T.S Phụng, tỉ lệ phụ nữ tham gia trong các ngành nghề như giáo dục, y tế cao hơn so với nam giới nhưng lại thấp hơn trong lĩnh vực khoa học, vật lý.
Về vấn đề tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, khoa học hiện nay lại thấp. TS Phụng cho rằng các yếu tố xã hội và môi trường đã định hình sự ít quan tâm của các bé gái đối với ngành toán, hóa. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh vào các trường khoa học và kỹ thuật cũng dường như thiên về nam giới nhiều hơn trong suy nghĩ thông thường của nhiều người.
Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cho biết hiện nay, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào các ngành khoa học công nghệ vẫn thấp. Tại Việt Nam có khuynh hướng thiên lệch trong các ngành nghề, nhiều ngành nghề đề cao nam giới hơn.
Trong lĩnh vực STEM, trước giờ vẫn bị nam giới thống trị. Vì thế, cần sự khuyến khích nữ giới tham gia vào lĩnh vực này, nâng cao sự bình đẳng giới. Phụ nữ có nhiều sáng tạo trong các lĩnh vực nghiên cứu như trong điều trị ung thư.
GS.TS Lê Thị Hợp, Trưởng ban khoa học công nghệ - Hội Nữ tri thức Việt Nam nhận định phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thường khó khăn hơn so với nam giới. Thực tế, cũng có một số phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, các đề tài... trở thành những giáo sư đầu ngành. Tuy nhiên, so với nam giới thì tỉ lệ này còn rất ít.
TS Hợp cũng cho rằng, cần phải giới thiệu từ sớm cho trẻ em gái về STEM để các em có thể hình dung, có kiến thức để có được cách chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Cần làm công tác vận động ở các cấp lãnh đạo để họ hiểu về tầm quan trọng của lĩnh vực STEM để có những hỗ trợ, chính sách phù hợp hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần bắt đầu từ sự hỗ trợ từ cộng đồng. Đó là những chia sẻ của những người có nhiều kinh nghiệm về những thách thức phải đối mặt khi dấn thân vào lĩnh vực này.
Trong ngày hội nghị cũng diễn ra buổi đào tạo lập trình cho nữ sinh; giới thiệu câu chuyện điện toán đám mây với dịch vụ giáo dục của Amazon.