Đàn ông và phụ nữ
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu quan niệm về chuẩn mực giữa đàn ông và phụ nữ khác nhau ra sao. Trong thời kỳ nguyên thủy, người phụ nữ có vai trò vô cùng lớn lao bởi khả năng hái lượm, thu thập các tư liệu sống một cách bền bỉ, cùng với đó là thiên chức sinh sản. Chế độ mẫu hệ ra đời theo cách đó, đến khi công cụ lao động tiến bộ hơn, cần sức lao động nhiều hơn thì nam giới bắt đầu khẳng định ưu thế cạnh tranh của mình. Sau khi giành được quyền làm chủ công cụ lao động, có trong tay của cải dư thừa, đàn ông trong vị trí người dẫn dắt đã tạo ra hệ thống định hình tính cách cũng như phân chia chức phận rõ ràng, để rồi sau đó hàng thế kỷ, phụ nữ mất đi cơ hội xác lập lại vị thế của mình trong xã hội. Hệ thống tư tưởng ấy là các quan niệm nặng nề xuất hiện trong thời kỳ phong kiến - đặc biệt ở phương Đông, điển hình như: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Số phận người phụ nữ bị cột chặt vào người đàn ông, họ trở thành phụ thuộc, bên cạnh đó, việc không được tạo điều kiện học hành càng làm cho phụ nữ gặp nhiều trở ngại trong việc tự đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời của mình (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy!). Tâm thức bị ấn định trong thời gian dài dẫn đến thói quen tiêu dùng đặc trưng của phụ nữ: cảm tính dẫn dắt nhanh chóng, ham thích khuyến mãi, giá rẻ và những món đồ có thể mua ngay mà không cần phải tính toán kĩ. Đó vừa là ẩn ức tâm lý trong suốt một thời gian dài không có thực quyền tự chủ, vừa là sự lo lắng khi phải chịu trách nhiệm nếu phải chi ra những khoản tiền lớn. Ngược lại, đàn ông thoải mái hơn khi sắm những món đồ có giá trị lớn, bởi kể cả trong trường hợp mua vì sở thích cá nhân, họ có thể cho rằng đó là hành động dứt khoát để thể hiện vị thế làm chủ mà không phụ thuộc của mình.
Phụ nữ mua sắm cho thỏa ý thích. Ảnh: Internet
Con tim hay lý trí
Đối với phụ nữ, mua sắm là một trải nghiệm tận hưởng, có nghĩa quá trình ấy mang đến cho họ sự thích thú: Từ lựa chọn món hàng, ngắm nghía, cân nhắc, rồi mặc cả, rồi lại đặt xuống, rồi lại tham khảo kinh nghiệm, rồi lại tiếp tục lựa chọn. Bởi sự hưng phấn ấy nên phụ nữ hiếm khi xác định thời gian trong quá trình đi mua sắm. Họ thích đi mua sắm với bạn bè, người than, dù đôi khi việc này làm cánh đàn ông ngán ngẩm: Dành cả buổi cho người thương nhưng rốt cuộc đi một vòng các cửa hàng mà chẳng mua được món gì, hoặc mua được những thứ mà họ cố gắng đoán già đoán non cũng không biết đích xác công dụng, chỉ có cảm giác tê rần nơi cánh tay vì túi đồ nặng trĩu là rõ nhất. Có lẽ, phụ nữ mê mua sắm như đàn ông mê nhậu, mà đã nhậu là phải vui, là phải thoải mái thời gian. Vấn đề này cánh anh em hiểu hơn ai hết. Khi mua sắm, đàn ông có cái đầu lạnh hơn, quan tâm đến sản phẩm hơn cũng như thường xuyên cân nhắc sản phẩm với các nhu cầu của bản thân. Ví dụ như hè đến, họ xác định trước trang phục cần mua là áo phông, quần cộc thì họ sẽ đi mua một lần đủ tất cả. Nếu thiếu tiền thì sẽ mua bổ sung sau, còn thừa tiền cũng không mua thêm. Thói quen mua sắm của đàn ông thường như một bộ quần áo may đo vừa vặn, nếu có cảm hứng xuất hiện thì đó là những thứ có giá trị lớn góp phần khẳng định bản thân phái mạnh (siêu xe, đồng hồ, bút ký, giày, thiết bị công nghệ…). Đàn ông hứng thú với hàng hóa, còn lại họ thờ ơ với việc “dạo qua thị trường”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các sách kinh doanh của người Do Thái thường khuyên các doanh nhân nhằm vào phụ nữ. Họ thân thiện dù có đôi lúc mặc cả, nhưng không bao giờ từ chối một người tư vấn khéo, một sản phẩm khuyến mại hay có giá chỉ 99.000 đồng (thay vì 100.000 đồng). Nhờ thói quen mua sắm đặc biệt này mà phụ nữ thúc đẩy ngành thương mại và quảng cáo phát triển. Còn với cánh đàn ông, mua sắm không được nằm trong danh sách những cuộc hẹn quan trọng. Họ có thể đặt hàng trực tuyến và điều họ nhớ nhất trong khi đi mua sắm là chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành cụ thể. Khi đã cần mua, giá cả không thành vấn đề.
Đàn ông, cần mới mua. Ảnh: Internet
Thay cho lời kết
Xã hội và khoa học kĩ thuật phát triển mang lại nhiều cơ hội mua sắm hơn cho tất cả mọi người, từ hình thức mua sắm, mẫu mã sản phẩm cho đến các chương trình tri ân khách hàng... Trong những năm gần đây, các làn sóng khuyến mại “khủng” từ các web thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki đã khiến trào lưu mua sắm online phát triển cuồng nhiệt. Cánh đàn ông không còn lo ngại việc phải dành cả ngày lẽo đẽo theo chị em đi shopping, thời gian ấy để dành cho vài quai bia mát lạnh lúc tan tầm hay dõi theo trái bóng trên sân cỏ. Chị em thì có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc, miễn là có smartphone và wifi. Thuận tiện, nhanh chóng, tận tình, thậm chí còn nhàn hơn rất nhiều. Thử tưởng tượng nếu phụ nữ đi mua sắm một mình mà không có đàn ông, họ sẽ mua rất nhiều thứ có công dụng giống nhau nhưng màu sắc khác nhau, còn đàn ông họ sẽ mua ngay thứ họ cần trong khi cách đó chỉ 100 mét món hàng đó đang được giảm giá đặc biệt có cùng chất lượng tương đương. Có một sự thực thoáng nghe mang chút nghịch lý: Phụ nữ ham rẻ và mua nhiều đồ rẻ vì muốn tiết kiệm tiền bạc, còn đàn ông mua đắt vì muốn tiết kiệm thời gian.
Nếu nhìn qua lăng kính thi vị hơn thì nghệ thuật đi mua sắm cùng nhau, bổ sung cho nhau là một phần lãng mạn đặc biệt của tình yêu và hạnh phúc gia đình. Gia đình chỉ thật sự trọn vẹn khi cả người chồng lẫn người vợ cùng nhau sắm sửa và tôn trọng sự vun đắp theo cách riêng của nhau.
Nguyễn Nam/GĐTE