Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phụ nữ và nam giới đều có thể trở thành lãnh đạo giỏi

Thực hiện Kế hoạch truyền thông bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 16/QĐ-UBQG ngày 24/3/2015 của Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (UBQG), Chiến dịch “Chúng ta có thể” sẽ được UBQG phát động trên toàn quốc từ 24 – 31/10/2015 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Đây là chiến dịch truyền thông nhằm xóa bỏ những rào cản mà định kiến giới đã gây ra cho nữ giới, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia và lãnh đạo của nữ giới trong hệ thống chính trị. Chiến dịch có sự phối hợp giữa Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển và Oxfam tại Việt Nam, trong bối cảnh hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Việt Nam được đánh giá là nước có tiến bộ vượt bậc trong việc ban hành các chính sách và thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG). Tuy nhiên hạn chế về nhận thức của số đông công chúng vẫn tiếp tục là một trong các rào cản lớn nhất để đạt được BĐG thực chất trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức của cả người dân và cán bộ/công chức để xóa bỏ các định kiến giới về vai trò và khả năng lãnh đạo của nữ giới - đó là nhận định của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ khi phát động chiến dịch “Chúng ta có thể”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng các cấp, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Với nỗ lực chung của các cấp, các ngành, tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý đã tăng lên rõ rệt. Tại nhiều tỉnh, thành phố, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ đảng, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các chức danh lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành của nhiệm kỳ hiện tại đã tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và chưa đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đề ra. Tỷ lệ đại biểu nữ trong quốc hội khóa XIII là 24,4%, thấp nhất kể từ năm 1997.  Để đạt được chỉ tiêu tới năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40% mà Nghị quyết đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ.

Báo cáo “Rà soát 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh” của Chính phủ cho thấy thiếu nhận thức về BĐG đang là trở ngại lớn khiến các chính sách chưa đi được vào cuộc sống. Nghiên cứu “Lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị - Niềm tin và sự lựa chọn của công chúng” do Oxfam thực hiện cũng cho thấy định kiến giới đang ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn đại biểu/lãnh đạo của công chúng. Nhiều nam giới ủng hộ phụ nữ làm lãnh đạo nói chung, nhưng họ không muốn đó là thành viên nữ trong gia đình họ. Đánh giá thiên lệch về năng lực, vai trò và sự đóng góp của lãnh đạo nữ hiện còn là một thái độ phổ biến trong xã hội cả ở nam và nữ. Phần đông mọi người thường cho rằng phụ nữ phù hợp hơn với việc tham gia và lãnh đạo trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội hay nhân đạo trong khi nam giới phù hợp hơn với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, tài chính... Trên thực tế, cả nam và nữ đều có thể tham gia và lãnh đạo trong bất cứ lĩnh vực nào phù hợp với mong muốn và khả năng của mỗi người.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Thông qua chiến dịch truyền thông “Chúng ta có thể”, chúng tôi mong muốn người dân, đặc biệt là giới trẻ sẽ hiểu rõ hơn phụ nữ và nam giới đều có thể là những nhà lãnh đạo giỏi. Giới tính hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo. Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có những nam, nữ lãnh đạo giỏi trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa”.

Chiến dịch sẽ được triển khai với nhiều hình thức hoạt động phong phú khác nhau, như âm nhạc đường phố, kịch tương tác, đối thoại chính sách và diễn đàn tranh luận trên báo chí và mạng xã hội. Những hoạt động này sẽ thu hút sự tham gia và cùng hành động của các nhà hoạch định và thực thi chính sách, chính quyền, cộng đồng, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, cùng các nghệ sĩ, và giới trẻ. 

Các hoạt động của Chiến dịch:

STT

Sự kiện/Hoạt động

Thời gian

Địa điểm

1

Hội diễn kịch tương tác

24/10/2015

Tp.Hồ Chí Minh

2

Nghệ thuật đường phố

25/10/2015

Đồng Nai

3

Hội diễn kịch tương tác

26-27/10/2015

Phú Yên

4

“ĐÁNH THỨC”

Âm nhạc đường phố, hợp tác với nhạc sĩ Quốc Trung và các ca sĩ trẻ

28/10/2015

Hà Nội

5

Hội diễn kịch tương tác

30/10/2015

Nam Định

6

Diễn đàn trên mạng xã hội

26-30/10/2015

Toàn quốc

7

Tọa đàm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

30/10/2015

Yên Bái

8

Tọa đàm trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam

30/10/2015

Toàn quốc

9

“NGÀY MỚI”

Nghệ thuật sắp đặt kết hợp với trình diễn và biểu tượng

31/10/2015

Hà Nội