Ngày 8/5, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, nhu cầu sử dụng nước ở thành phố Phú Quốc dao động từ 23.000-24.000m3 mỗi ngày đêm.
Dung tích hữu ích của hồ chứa nước Dương Đông còn 900.000m3, có thể cấp đủ cho thành phố Phú Quốc trong khoảng 40 ngày sắp tới với điều kiện khô hạn.
Hồ chứa nước Dương Đông, tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương là hồ trữ nước duy nhất của thành phố Phú Quốc có dung tích 5,9 triệu m3 do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang - Chi nhánh Phú Quốc quản lý.
Trong những ngày qua, tại thành phố Phú Quốc có mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể, lượng mưa tiếp nhận tại hồ chứa nước Dương Đông vẫn còn ít.
Theo Quy hoạch chung của thành phố Phú Quốc vừa công bố, nguồn nước cung cấp cho địa phương sẽ sử dụng từ các hồ Dương Đông, Suối Lớn, Cửa Cạn, Rạch Tràm, Rạch Cá và ngoài ra sử dụng thêm nước mưa, nước tái sử dụng.
Trong đó, nước hồ Dương Đông sẽ là nguồn nước cấp chính cho thành phố. Dự kiến năm 2030, sẽ nâng công suất nhà máy nước Dương Đông lên 45.000m3/ngày đêm. Xây mới hồ Cửa Cạn dung tích 10 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Cửa Cạn, công suất dự kiến 50.000m3/ngày đêm.
Đồng thời, xây mới hồ Rạch Cá, dung tích 2 triệu m3, nhà máy nước hồ Rạch Cá, công suất dự kiến 12.000m3/ngày đêm và hồ Suối Lớn, dung tích 4 triệu m3, nhà máy nước hồ Suối Lớn, công suất dự kiến 25.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý xảy ra 25 vụ cháy, với diện tích 27,02ha. Vườn Quốc gia Phú Quốc và Kiểm lâm đã dựng 7 lán trại tại các khu vực rừng trọng điểm dễ phát sinh cháy, cử nhân viên túc trực 24/24h.
Đồng thời, duy trì hoạt động 8 tháp canh lửa rừng, 83 giếng khơi, 2 bể chứa nước, 90 bồn nước, 6 máy bơm phao, 9 máy thổi gió… để sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng.
Trước đó, chiều ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã đi khảo sát hồ chứa nước Dương Đông và kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Phó Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang Trần Thanh Được cho biết, do đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, mực nước một số khu rừng tràm đã cạn kiệt, vật liệu cháy trong các khu rừng đã khô, rất dễ bén lửa... Do đó, cần tăng cường canh gác, giữ rừng, hạn chế nguy cơ xảy ra cháy…